Hà Nội: Tài sản trên đất sẽ được ghi vào sổ đỏ

(Dân trí) - Thông tin từ UBND TP Hà Nội cho hay, sau ngày 19/5, Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ - sổ đỏ) cùng với quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố sẽ có hiệu lực.

Theo đó, trong thời gian chờ Chính phủ thống nhất “một mảnh đất, một loại giấy”, ở Hà Nội, tài sản gắn liền với đất được ghi công nhận quyền sở hữu trên GCNQSDĐ.

8 trường hợp nhà ở, công trình xây dựng không được công nhận quyền sở hữu gồm: Không có giấy tờ về nhà ở quy định tại Điều 43 Nghị định 90/2006/NĐ-CP; Nhà ở, công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1/7/2006 chưa được xử lý (như vậy, nhà ở sai phép trước ngày 1/7/2006 vẫn có thể được ghi trên "sổ đỏ" nếu có xác nhận là đã được xử lý); Nhà ở tạm, công trình xây dựng tạm; Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, công trình xây dựng thuộc sở hữu toàn dân; Nhà ở, công trình nằm trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng; Nhà ở, công trình xây dựng đã có quyết định hoặc thông báo giải tỏa, phá dỡ hoặc đã có quyết định thu hồi đất; Nhà ở, công trình xây dựng mà Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế có cam kết khác; Nhà ở, công trình xây dựng có tranh chấp, khiếu nại có liên quan đến quyền sở hữu.

Việc cấp "sổ đỏ" cho đất ở những khu vực "nhạy cảm" như đất di tích, danh lam, đất ngoài đê các sông... đều được quy định rõ ràng. Trong đó, đáng chú ý là các cơ quan có chức năng quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được thẩm định mức độ ảnh hưởng đối với các trường hợp sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ di tích, danh lam; đồng thời có thể đề nghị UBND quận, huyện thu hồi và không cấp "sổ đỏ".

Nếu việc sử dụng đất nói trên không ảnh hưởng đến di tích thì được cấp GCN. Người sử dụng đất ngoài đê về phía Sông Hồng, Sông Cầu, Sông Đuống, Sông Cà Lồ cũng sẽ được cấp GCN. Tuy nhiên, việc cấp "sổ đỏ" này có đặc thù riêng.

Hồng Ngân - Lan Hương