Hà Nội không xây mới chợ trong nội đô

(Dân trí) - Hà Nội xác định sẽ không xây mới chợ trong nội đô từ vành đai 2 đến trung tâm, hạn chế xây dựng mới các chợ khu vực vành đai 2 đến Sông Nhuệ và khu vực phát triển mới.

UBND TP Hà Nội vừa ra quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
 
Chợ Đồng Xuân, chợ lớn nhất Hà Nội
Chợ Đồng Xuân, chợ lớn nhất Hà Nội

Theo đó, tổng số vốn đầu tư thực hiện quy hoạch khoảng 521 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 khoảng 161 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2021-2030 khoảng 360 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trong và ngoài nước.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch này thì đến năm 2030, Hà Nội có 8 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng và chuyên doanh, 5 trung tâm mua bán cấp vùng, 19 trung tâm thương mại quốc tế, vùng, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế và trung tâm mua sắm cấp vùng.
 
Ngoài ra, theo quy hoạch định hướng 2030 Hà Nội  có 64 trung tâm thương mại, 32 trung tâm mua sắm, 10 trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp. Về số lượng siêu thị, có 23 đại siêu thị, 111 siêu thị hạng 2 và 865 siêu thị hạng 3.
 
Mặt khác, hệ thông chợ Hà Nội có 395 chợ, trong đó sẽ giải tỏa 21 chợ, xây mới 183 và nâng cấp 191 chợ.
 
Đáng chú ý, trong phê duyệt quy hoạch Hà Nội xác định không xây mới chợ trong nội đô từ vành đai 2 đến trung tâm, hạn chế xây dựng mới các chợ khu vực vành đai 2 đến Sông Nhuệ và khu vực phát triển mới.
 
Theo phê duyệt quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng mới các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các đô thị vệ tinh với số lượng và quy mô căn cứ theo quy mô của từng đô thị được quy hoạch.
 
Ngoài ra, Hà Nội cũng lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ hiện có diện tích đất chợ lớn hơn 3.000 m2 thành đại siêu thị, trung tâm mua sắm gắn với chợ bán lẻ. Nâng cấp và cải tạo để hình thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm tươi sống hạng 2 ở các phường, liên phường để phục vụ nhu cầu hàng ngày của dân cư.
 
Hà Nội cũng từng bước chuyển hóa các chợ dân sinh loại nhỏ có diện tích đất chợ dưới 1.000 m2 thành các siêu thị hạng 2.
 
Theo quan điểm của Hà Nội, việc quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại nhằm phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ để đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Hà Nội tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.

 T.Chí