Hà Nội: Hàng trăm tiểu thương phản đối xây trung tâm thương mại

(Dân trí) - Ngày 28/5 hàng trăm tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) đã đứng chật UBND quận này để phản đổi xây chợ mới thành trung tâm thương mại. Tiểu thương cho rằng xây trung TTTM là “hết đường làm ăn”, còn quận coi xây mới là“tất yếu để phát triển”.

Hà Nội: Hàng trăm tiểu thương phản đối xây trung tâm thương mại - 1

Các tiểu thương đứng, ngồi la liệt ở trụ sở UBND quận Cầu Giấy
Hàng trăm tiểu thương tụ tập phản đối
Sáng 28/5, theo ghi nhận của PV có hàng trăm tiểu thương đã tới phòng tiếp dân của UBND quận Cầu Giấy để biểu đạt ý kiến của mình phản đối xây chợ thành trung tâm thương mại. Những tiểu thương này chọn cách phản đối gây chú ý là  mặc áo đỏ, với dòng chữ vàng sau lưng.

Ghi nhận của PV, các tiểu thương cho rằng việc xây chợ mới của UBND quận Cầu Giấy “chỉ làm lợi cho chủ đầu tư, còn các hộ kinh doanh buôn bán sau này sẽ không kiếm được miếng ăn từ trung tâm thương mại mới”.

Theo dự kiến, một khu nhà bề thế 9 tầng với các chức năng là trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và chợ sẽ mọc lên trên nền chợ cũ Nghĩa Tân. Dự án này đã có chủ trương từ lâu và được bắt tay tiến hành vào năm 2009 nhưng tới nay chưa có nhiều tiến triển.

Trong đám đông tiểu thương tụ tập sáng 28/5, bà Trương Thị Khen tỏ ra là người am hiểu tường tận các quy định pháp luật. Theo bà Khen thì: “Quận mời chủ đầu tư xây chợ mới 9 tầng là làm sai hàng loạt các văn bản pháp luật của Chính phủ, UBND TP Hà Nội và bộ Xây dựng. Nếu làm đúng thì xây mới khu chợ mới này có thể xây từ 1 tới 3 tầng và các chức năng chính của chợ vẫn giữ nguyển chứ không phải thêm trung tâm thương mại hay văn phòng cho thuê”.

Một tiểu thương khác liên tưởng: “Các trung tâm thương mại mới mọc lên thời gian qua như chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa khi xây mới thì không hiệu quả, bị bỏ hoang rất nhiều”.

Lý lẽ của các tiểu thương chợ Nghĩa Tân để bảo vệ quyền lợi của mình, theo bà Khen thì: “Chúng tôi có cổ phần trong chợ. Khi xây chợ năm 1994 thì năm 1995 chúng tôi hơn 20 hộ mỗi hộ đã đóng 6,5 triệu đồng. Với thời giá năm bấy giờ thì số tiền này ngày nay có thể mua nổi cả căn nhà. Tuy nhiên, quận Cầu Giấy khi xây chợ mới đã không hỏi ý kiến của chúng tôi và không cho chúng tôi bất cứ quyền quyết định nào với tương lai của mình”.
Hà Nội: Hàng trăm tiểu thương phản đối xây trung tâm thương mại - 2

Nhiều người đứng tràn ra cầu, với những chiếc áo đỏ có dòng chữ vàng gây chú ý

Cuộc tụ tập đông người của hàng trăm tiều thương chợ Nghĩa Tân tan lúc gần trưa ngày 28/5. Mặc dù vậy, các tiểu thương vẫn bày tỏ rõ quan điểm "yêu cầu chính quyền và chủ đầu tư làm đúng các văn bản pháp luật đã ban hành trước đó”.

"Vẫn cứ xây"

Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy cũng có mặt để nói chuyện với các tiểu thương sáng 28/5. Về nguyên nhân chưa hợp tác giữa tiểu thương và chính quyền, ông Hà nói: “Vấn đề chuyển đổi liên quan tới lợi ích. Một số hộ không đồng tình vin vào câu chữ của các văn bản pháp luật để phản đối”.

Theo chính quyền quận Cầu Giấy thì khi xây trung tâm thương mại mới 9 tầng sẽ giữ nguyên tầng hầm và tầng một làm nơi buôn bán cho gần 500 tiểu thương chợ Nghĩa Tân hiện nay. Ông Hà khẳng định: “Mặt bằng buôn bán sẽ thuận lợi, các gian hàng sẽ rộng hơn so với hiện tại”.

Về vấn đề mấu chốt chủ quyền của chợ Nghĩa Tân khi các tiểu thương cho rằng họ đóng cổ phần trong việc xây dựng chợ năm 1994 nên họ cũng một phần quyết định trong việc xây dựng, ông Hà cho hay: “Thanh tra TP Hà Nội đã xác minh làm rõ: cho tới bây giờ, chưa có hồ sơ nào cho thấy người dân đóng góp xây dựng chợ Nghĩa Tân cũ. Người dân bảo năm 1995 mỗi hộ đóng 6,5 triệu đồng thuê chợ thì số tiền đó là thuê mặt bằng gian hàng trong 5 năm”.

Theo ông Hà ban đầu chính quyền và chủ đầu tư dự định xây dựng hai khối nhà 3 tầng và 9 tầng có kết nối với nhau nhưng người dân phản đối nên sau này sửa lại xây nguyên khối nhà 9 tầng.

Về việc các tiểu thương đòi hỏi có quyền quyết định trong dự án xây mới chợ Nghĩa Tân, ông Hà nói: “Xây mới chợ thành trung tâm thương mại là chủ trương của TP Hà Nội, quận là đơn vị thừa hành làm việc trực tiếp. Năm 2009, quy hoạch không cần lấy ý kiến dân. Quy hoạch do TP và quận. Mọi thứ thực hiện theo quy hoạch đề ra”.

Tuy nhiên Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy cho hay đến nay đã gửi đến tận tiểu thương thông tin đầy đủ về dự án để chính quyền và người dân cùng bàn bạc. Ông Hà nói: “Việc phản đối các hộ dân có lý do của họ. Các hộ dân phản đối thì việc xây trung tâm thương mại vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, hộ dân nào hợp tác trước sẽ được ưu tiên trước chọn vị trí đẹp, lợi ích tốt hơn so với những người hợp tác sau ở trung tâm thương mại mới sau này”.

Thông Chí