Hà Nội: Hàng loạt chủ đầu tư tự ý cơi nới, coi thường an toàn của cư dân
(Dân trí) - Trong 50 dự án khu nhà ở, khu đô thị mới tại Hà Nội vừa được kiểm tra ngẫu nhiên thì có tới 15 dự án sai phạm về xây dựng, quy hoạch ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội của Đoàn Thanh tra liên ngành về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, trong 50 dự án được kiểm tra ngẫu nhiên thì có tới 15 dự án sai phạm về xây dựng, quy hoạch ảnh hưởng tới an toàn phòng cháy chữa cháy.
Các sai phạm chủ yếu bao gồm việc xây dựng vượt số tầng, thông tầng, vượt diện tích xây dựng, diện tích sàn xây dựng so với quy hoạch, thiết kế được duyệt hoặc giấy phép xây dựng, sử dụng sai công năng một số tầng trong tòa nhà chung cư, thay đổi cơ cấu căn hộ… ảnh hưởng đến an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tại dự án Lô C ở D5 thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy (Dịch Vọng) của CTCP Lắp máy điện nước và xây dựng, chủ đầu tư đã chia tầng áp mái đơn nguyên A thành 11 căn hộ, đơn nguyên C thành 10 căn hộ để bán.
Chủ đầu tư chưa cung cấp các văn bản, bản vẽ được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), biên bản hoặc văn bản nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC; bản vẽ hoàn công, giấy chứng nhân đủ điều kiện PCCC (nếu có) của công trình và các nội dung thay đổi so với thiết kế được duyệt.
CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Hà với dự án số 235 Lạc Long Quân (Nghĩa Đô, Cầu Giấy), cải tạo mặt bằng tầng hầm, thêm tầng mái hàng loạt căn hộ, thay đổi diện tích sàn căn hộ. Tại dự án này cũng không có trụ nước, bể nước chữa cháy ngoài nhà.
Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và CTCP Đầu tư 135 tại Dự án nhà làm việc và chung cư cao tầng cho cán bộ công nhân viên tại 143 Hạ Đình (Thanh Xuân), chủ đầu tư ngăn chia lại các phòng làm việc tại các tầng từ 2-5; tổng số căn hộ tăng thêm 15 căn + 1 phòng chưa rõ chức năng. Công trình đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được cấp văn bản nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Tại dự án Đầu tư xây dựng khu nhà hợp dịch vụ công cộng thuộc khu đất trúng đấu giá đường Nguyễn Tuân, chủ đầu là CTCP Xây dựng và Thiết bị Vật tư Hà Nội 1 tự ý xây tăng 2 tầng so với phương án kiến trúc được duyệt. Đáng lưu ý, khoảng 2/3 tầng hầm được chủ đầu tư sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, kinh doanh giải trí.
Tại tầng 1, chủ đầu tư thậm chí chuyển đổi một phòng sinh hoạt cộng đồng theo quy hoạch được duyệt sang thương mại, dịch vụ. Các tầng căn hộ khác cũng được chủ đầu tư tự ý xây tăng số căn hộ so với phương án duyệt, tăng diện tích sàn, đua ban công. Các nội dung thay đổi chưa được thẩm duyệt bổ sung và nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Tại Tòa nhà Sông Đà - Nhân Chính (162A Nguyễn Tuân), chủ đầu tư là CTCP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà tăng 1 tầng so với phương án thiết kế, chuyển đổi một phần tầng 2 từ dịch vụ công cộng và văn phòng làm việc sang căn hộ. Các nội dung này cũng chưa thực hiện các yêu cầu về PCCC đối với các phần sai khác.
Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng của Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn, chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng, công trình sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC.
Dự án khu nhà ở Mễ Trì do CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 68 làm chủ đầu tư chưa được nghiệm thu tổng thể PCCC, chưa nộp đủ tiền chênh lệch giữa giá thành và giá trị xây dựng đối với 46 căn thấp tầng theo số tiền tạm tính của cục thuế, tự ý bán 10 căn hộ cho Quỹ đầu tư phát triển khi chưa được UBND thành phố chấp thuận, tự điều chỉnh tăng số lượng căn hộ cao tầng, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Dự án Tòa nhà chung cư - Trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung, Hà Đông của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Bình Vượng tự ý xây tăng thêm 5 tầng, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai tại Tòa chung cư thu nhập thấp CT1 Ngô Thì Nhậm, công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng. Công ty đã tự tăng số lượng căn hộ để ở (không tăng số tầng) do sử dụng phòng sinh hoạt chung ở các tầng chuyển thành căn hộ khi chưa được chấp thuận của UBND thành phố. Công ty cũng chuyển đổi công năng sử dụng tầng kỹ thuận thành nhà trẻ, phòng sinh hoạt.
Ngoài ra, danh sách còn có một số chủ đầu tư khác như: CTCP Xây dựng Dân dụng Hà Nội tại dự án Khu đô thị mới Yên Hòa xây dựng vượt số tầng, mật độ xây dựng, chưa thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC ở khu nhà thấp tầng; Chủ đầu tư CTCP Đầu tư tư vấn và xây dựng Việt Nam tại Tổ hợp chung cư Nam Xa La tự ý thay đổi công năng sử dụng một số tầng, chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng…
Đối với nhóm dự án này, Đoàn Thanh tra liên ngành cho biết, sau khi UBND thành phố có chỉ đạo về phương án xử lý vi phạm trật tự xây dựng của chủ đầu tư, đối với phần diện tích xây dựng sai phạm được phép tồn tại của chủ đầu tư có trách nhiệm liên hệ với Cảnh sát PCCC thành phố để được hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định.
Phương Dung