Hà Nội: Hàng cung ứng dồi dào nhưng một số người dân vẫn lo lắng dự trữ
(Dân trí) - Mặc dù, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội đảm bảo đủ nguồn cung ứng hàng hóa nhưng tại một số khu vực, người dân vẫn tỏ ra lo lắng, đi mua nhu yếu phẩm nhiều hơn cần thiết chiều nay (31/3).
Theo Sở Công Thương Hà Nội, Sở này và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã xây dựng phương án dự trữ, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, mỗi tháng bình thường, tổng giá trị hàng hóa thiết yếu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, trong tháng có dịch, các doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp gần 3 lần, với tổng giá trị khoảng 64.000 tỷ đồng.
"Hiện, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày", thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Một số đơn vị bán lẻ lớn, như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường.
Còn hệ thống Co.opmart cũng đã tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, có thể nói, việc người dân ở một số khu vực đi mua hàng với số lượng lớn chiều nay (31/3) là không cần thiết.
Ngoài việc lượng hàng dự trữ rất lớn như Sở Công Thương Hà Nội cho biết trên đây, hiện nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân.
Cụ thể, cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn. Cấp độ 2 là khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn. Cấp độ 3 là trên địa bàn có từ 20 đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện. Cấp độ 4 là trên địa bàn có hơn 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh, 30 quận, huyện, thị xã đều có khu cách ly.
Cấp độ 5 là trên địa bàn có từ hơn 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao; khi đó người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm, lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến.
Ở cấp độ 1, 2, 3, các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để đưa về Hà Nội.
Đối với cấp độ 4 và 5, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa về địa bàn Thủ đô; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán trên các quận, huyện, thị xã; cần thiết lập thêm các kho dã chiến. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất.
Được biết, Bộ Công Thương điều tiết hàng hóa của các tỉnh hỗ trợ Hà Nội. Đồng thời, báo cáo thành phố cho bổ sung các xe chở hàng từ Công an, Quân đội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới hệ thống phân phối; xin điều động lực lượng hỗ trợ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và các khu vực cách ly.
Trần Thanh