Hà Nội: Gặp những người cả ngày cầm... vàng
(Dân trí) - Tại làng nghề Kiêu Kỵ, hàng ngày những người thợ đều gắn với những mảnh nguyên liệu vàng. Sau các công đoạn tỉ mỉ, những nhịp búa chan chát là sự ra đời của lá vàng tuyệt hảo.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Đang quay phim bất ngờ tìm thấy hơn 180 tỉ đồng trong hòm gỗ cũ * Tây Ninh: Nông dân phá bỏ gần 2.000ha cao su để trồng cây khác |
Nghề làm vàng quỳ và bạc quỳ ở Kiêu Kỵ trải qua rất nhiều công đoạn tinh xảo và tỉ mỉ, dày công, tốn sức. Một trong những nghệ nhân của làng nghề là Ông Lê Văn Vòng, tính đến hiện tại, gia đình của ông Vòng đã bước sang đời thứ 9 tiếp nối thứ nghề độc nhất vô nhị trên mảnh đất hình chữ S. Ông Vòng tâm sự vui rằng, nhiều nơi cứ nghĩ vàng, bạc là quý nhưng ở vùng Kiêu Kỵ này người dân ngày nào cũng sờ đến vàng.
Công đoạn đập quỳ đòi hỏi rất nhiều công sức và kỹ thuật tỉ mỉ để có được lá vàng đạt chất lượng
Để làm ra được lá vàng bạc mỏng như lá lúa, người thợ phải trải qua ít nhất 40 công đoạn. Nhưng công đoạn đánh quỳ là khó nhất, những lá quỳ được đem ra đánh với hàng nghìn nhịp búa đập xuống. Muốn có lá vàng đạt chất lượng, ban đầu, những người thợ lấy loại giấy “gió” đem cắt thành ô vuông rộng khoảng 5cm để làm giấy quỳ, xếp thành 1 sấp gồm 15 lá, dày khoảng 2cm.
Các lá vàng phải được bóc tách, rồi xếp cẩn thận
Mỗi một sấp giấy trên được tách thành từng lá mỏng và giã qua một lần cho thật phẳng rồi được quét lên một loại mực chế từ hỗn hợp keo da trâu, nhựa thông, hồ và mùn cưa rồi đem phơi khô.
Tiếp đó, người thợ ở Kiêu Kỵ phải nấu vàng và đổ vàng đã tan chảy vào khuôn tráng thành từng miếng mỏng. Lá vàng được cắt thành những ô vuông khoảng 2cm rồi kẹp vào giữa 2 lá quỳ đã được khô mực, sau đó dùng một tấm vải màu đen để gói chặt, tránh để bị xê dịch vị trí của miếng vàng và miếng giấy quỳ. Đặt bọc đó lên một hòn đá tảng to, nhẵn nhụi và bằng phẳng rồi dùng búa giã liên hồi.
Nghề dát vàng ở Kiêu Kỵ là thứ nghề "độc nhất vô nhị"
Công đoạn này quỳ được đánh liên tục, sức đập của búa làm cho lá vàng bạc mỏng dần. Đánh quỳ phải đều, nếu không miếng vàng bạc sẽ không mỏng đều, khi bóc dễ bị rách...
Sau đó người thợ gỡ những miếng vàng bạc để cắt chúng thành từng miếng nhỏ. Mỗi dát vàng bạc có thể cắt nhỏ từ 9 - 12 miếng vuông nhỏ, có cạnh chừng 1cm. Những lá vàng bạc cắt nhỏ lại được xếp xen kẽ vào giữa các lá quỳ (gọi là long quỳ). Một long quỳ có từ 400 - 500 lá vàng bạc.
Vàng được đem ra dát lên chữ
Nghệ nhân Vòng bảo rằng, đánh quỳ là giai đoạn khó nhất cần phải hết sức tỉ mẩn và tinh tế mới làm được. Giai đoạn này sẽ quyết định chất lượng của vàng dát có màu sáng hay xỉn. Muốn có một sản phẩm hoàn chỉnh nhiều người phải kết hợp với nhau, riêng khâu đánh quỳ thì cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ. Sau khi làm ra những lá vàng, những người thợ mang đi dát cho các sản phẩm hoặc các công trình nhà, đền thờ... mà người ta hay gọi là nghề "sơn son thếp vàng".
Tâm sự về nghề dát vàng, lão nghệ nhân cho hay, những năm 80 của thế kỷ trước tưởng chừng nghề truyền thống của cha ông bị biến mất, nguồn nguyên liệu lúc đó khan hiếm. Một nă, làng nghề chỉ được cấp một vài cân nguyên liệu vàng, bạc. Vì thế mà hầu như mọi người đều bỏ nghề. May mắn, cuối những năm 80 bước vào thời kỳ mở cửa, vàng bạc được cung cấp nhiều hơn, làng nghề được hoạt động trở lại.
Thời gian gần đây, do thị trường phát triển, nhiều nhu cầu của xã hội nhất là khách du lịch và các công ty chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ, kỹ nghệ nên người dân Kiêu Kỵ làm ra cả quỳ tân, quỳ thiếc, quỳ bạc, tuy nhiên phát triển nhất vẫn là quỳ vàng. Nhiều đại gia ở Hà Nội cũng thuê thợ ở làng Kiêu Kỵ để dát vàng cho những đồ dùng, thậm chí là nhà để thêm phần bề thế.
Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại đang diễn ra ở Kiêu Kỵ đó là sự xâm lấn của một vài cá nhân thuê nhân công từ nơi khác đến. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất còn nhập lậu sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc về trà trộn vào hàng của làng nghề gây ảnh không nhỏ đến một bộ phận lành nghề trong làng.
Hiện ở Kiêu Kỵ vẫn còn hơn 100 hộ làm nghề dát vàng, trung bình thu nhập khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ngày. Nghề dát vàng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở Kiêu Kỵ và là thứ nghề phụ “hái ra tiền” trong những lúc nông nhàn của nhiều người dân.