Ông Vũ Viết Ngoạn: Đề nghị bơm tiền cứu thanh khoản, hạ lãi suất
(Dân trí) - Chủ tịch UB Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, việc bơm tiền vào hệ thống ngân hàng với liều lượng hợp lý sẽ không làm tăng lạm phát.
Đồng thời, ông Ngoạn cũng trấn an doanh nghiệp không nên bi quan bởi khi Chính phủ đã nhìn nhận rõ vấn đề thì sẽ có hướng đi cho lãi suất.
Nếu lượng tiền bơm vào không làm tăng tín dụng - không đi vào đầu tư và tiêu dùng thì không gây ra lạm phát (ảnh: Bích Diệp).
Thưa ông, vấn đề rất được người dân và doanh nghiệp thời gian này quan tâm là lãi suất. Muốn hạ lãi suất thì phải cứu được thanh khoản của các ngân hàng. Vậy để giải quyết bài toán vừa nêu thì phía UB Giám sát Tài chính Quốc gia có tư vấn gì cho Chính phủ cũng như NHNN để vượt qua giai đoạn này?
Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay cũng như kỳ vọng lạm phát của chúng ta năm tới dưới 10% thì việc giảm lãi suất là một yêu cầu, một đòi hỏi thực tế của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
Đương nhiên hiện nay khi chúng ta muốn giảm lãi suất xuống thì phải giải quyết vấn đề thanh khoản.
Khó khăn thanh khoản hiện nay, chúng tôi cho rằng ở trên cả hai bình diện:
Thứ nhất là bình diện chính sách. Việc cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn của các ngân hàng hiện nay cần phải được xem xét và cân nhắc để có được sự giải quyết hài hòa. Bởi hiện nay tỉ lệ cho vay trên huy động khá là cao.
Muốn giải quyết được nguồn huy động tăng lên thì trước hết thì một mặt phải làm sao thúc đẩy được hoạt động của các doanh nghiệp, giúp hàng hóa tiêu thụ tốt hơn và giảm tồn kho.
Thứ hai, nợ xấu của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua tăng lên cũng làm cho thanh khoản các ngân hàng khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, về mặt chính sách cần có một mức độ nới lỏng nhất định. Thực ra chúng tôi không muốn dùng từ « nới lỏng » vì thực chất chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng tăng trưởng ở 15-17%.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể hỗ trợ vốn, thanh khoản, vốn khả dụng (bơm tiền - PV) cho các ngân hàng. Nhưng lưu ý là tiền tăng vốn khả dụng đó không làm tăng tín dụng, tức là không đi vào đầu tư, không đi vào tiêu dùng thì nó cũng không gây ra lạm phát. Đây là quan điểm chúng tôi đang kiến nghị.
Chúng tôi cũng đang kiến nghị làm thế nào để thị trường tiền tệ luân chuyển tốt hơn. Hiện nay thị trường liên ngân hàng đang có sự hạn chế và ách tắc, không lưu thông. Việc này phải giải quyết về mặt kỹ thuật - có rất nhiều biện pháp mà tôi cho rằng NHNN cũng đã và đang triển khai.
Vậy thưa ông, trong ngắn hạn doanh nghiệp sẽ phải nhìn vào đâu?
Doanh nghiệp đang trông chờ vào việc giải quyết thanh khoản của các ngân hàng để có cơ sở giảm lãi suất.
Điều này cần có thời gian nhưng cũng không nên quá bi quan.Vấn đề là bây giờ Chính phủ đã nhìn nhận thấy, NHNN đã nhìn nhận thấy, Thống đốc đã nhìn nhận thấy thì cứ yên tâm, chỉ sợ là không nhìn nhận thấy thôi. Khi đã nhìn thấy là sẽ có hướng đi.
Vậy thưa ông, nhìn một cách bao quát thì những thác thức đối với kinh tế Việt Nam năm 2012 này là gì?
Chúng ta phải thừa nhận, thứ nhất là các doanh nghiệp đang rất khó khăn do những tác động phụ của chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì mặt trái của chính sách là không tránh khỏi.
Thứ hai, sau khi các doanh nghiệp đã trải qua một thời gian khó khăn, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bế tắc, ảm đạm làm cho hệ thống ngân hàng là điểm cuối cùng chịu hậu quả.
Phải thừa nhận là các ngân hàng hiện nay đang rất khó khăn kể cả về thanh khoản và xử lý nợ xấu. Do vậy, nó sẽ ảnh hưởng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục có nguồn vốn phát triển thời gian tới.
Khó khăn, thách thức thứ 3 đến từ bên ngoài. Kinh tế thế giới đang đứng trước những rủi ro lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhận định chung là năm nay, kinh tế thế giới sẽ giảm sút so với 2011 kéo theo nhu cầu giảm và sẽ tác động đến thương mại, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời cũng giảm khả năng đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam nói riêng cũng như các nền kinh tế mới nổi nói chung.
Nói như vậy, đâu sẽ là những cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong năm nay, thưa ông?
Trước hết, chúng ta phải nhận thấy rằng chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội liên tục từ đầu năm 2011 cho đến nay. Và chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Những tháng gần đây lạm phát đã giảm rất nhiều. Kể cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tuy rằng cao hơn tháng 11 một chút nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ của 2 – 3 năm trước đây. Bên cạnh đó, nhập siêu cũng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu Quốc hội phê duyệt và mức thực hiện của các năm trước. Thị trường vàng được kiểm soát. Đặc biệt, tỉ giá cũng tương đối ổn định.
Như vậy, bước vào năm 2012, nền tảng kinh tế vĩ mô đã tạo được bước vững chắc và ổn định hơn so với thời gian trước.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp ghi