1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Hà hơi thổi ngạt” cứu doanh nghiệp

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 55.000 doanh nghiệp (DN) đang lâm vào tình cảnh phá sản. Theo các chuyên gia, con số thực lớn gấp đôi, thậm chí hơn cả gấp đôi. Bộ đúng hay các chuyên gia đúng?

Quả thực, với cách tổ chức công việc như hiện nay, chúng ta chưa rõ câu trả lời. Tuy nhiên, điều khẳng định chắc chắn là các DN đang hết sức khó khăn. Nếu Nhà nước không giải cứu kịp thời, số lượng DN phá sản sẽ lớn hơn mọi dự báo mà chúng ta đang có.

DN “chết”, công ăn việc làm sẽ hết. Bất hạnh kinh tế sẽ kéo theo bất hạnh xã hội. Đó là chưa nói tới việc phục hồi kinh tế vào năm 2013 và những năm tiếp theo sẽ rất khó khăn nếu không có một lực lượng DN hùng hậu. Giải cứu DN vì vậy là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Vấn đề đặt ra là giải cứu những DN nào? Tất nhiên, giải cứu tất cả các DN là điều tốt nhất. Rất tiếc, đây cũng là điều ít khả thi nhất. Ngoài ra, không ít DN đang “chết cái chết tự nhiên”; bỏ tiền của ra để giải cứu là chống lại luật của tự nhiên. Chống lại luật của tự nhiên thì bao giờ cũng thất bại. Nỗ lực giải cứu vì vậy cần tập trung cho những DN đang bị “chết oan” vì những phản ứng phụ hoặc những thay đổi đột ngột của chính sách, hoặc chết vì các chủ đầu tư (chủ yếu là của Nhà nước) không thanh toán đúng hạn cho các công trình.

Tiền vay của ngân hàng thì bị tính lãi rất cao, nhưng tiền Nhà nước nợ thì chẳng có cách gì để đòi. Ở ta, về mặt lý thuyết, mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, kiện Nhà nước là việc làm hết sức rủi ro. Chưa có một DN nào lại ngây thơ để đứng ra kiện các ban quản lý vì vi phạm hợp đồng cả. Ngoài ra, các DN còn "chết" vì tình trạng nợ dây chuyền vô tận giữa họ với nhau và giữa họ với ngân hàng. Có vẻ như ai cũng là chủ nợ và ai cũng là con nợ trong một cái mớ bòng bong. Đó là chưa nói đến tình trạng “chết” trên đống của cải của các DN bất động sản (và không chỉ DN bất động sản), khi có sản phẩm mà lại không có thị trường.

Giải cứu DN bằng cách nào là một vấn đề quan trọng khác. Ở đây có nhiều việc dễ nói hơn dễ làm. Việc xử lý nợ, việc nhanh chóng hạ lãi suất tín dụng, việc giải quyết hàng tồn kho… là một số trong những việc như vậy. Thực ra, những việc này đang được quan tâm xử lý. Tuy nhiên, đây là những công việc đòi hỏi phải có thời gian, mà các DN thì lại đang “ngắc ngoải” hoặc đang “chết lâm sàng”. Vì vậy, việc gì làm được thì lập tức phải làm. Trước mắt, có lẽ, cần thanh toán ngay những khoản mà Nhà nước cả ở trung ương và cả địa phương vẫn còn đang nợ các DN; nhanh chóng cắt giảm các khoản phí và các thủ tục bất hợp lý đang đổ chồng chất lên đầu DN; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch truyền thông “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
 
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng