6.700 doanh nghiệp chết: Vẫn chưa giải mã nổi

Trung bình mỗi ngày TP.HCM có 68 doanh nghiệp mới sinh ra và 74 doanh nghiệp cũ xin ngừng hoạt động.

Nhiều báo cáo tình hình kinh tế thời gian qua đều xuất hiện con số doanh nghiệp (doanh nghiệp) ngừng hoạt động. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, từng yêu cầu các ngành chức năng phân tích con số “chết” và tìm hiểu nguyên nhân. Đến nay chưa có cơ quan nào đưa ra phân tích cụ thể.

 

Tử nhiều hơn sinh

 

Tính từ đầu năm đến 19/4 có trên 7.500 doanh nghiệp thành lập mới tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM. Sở cho biết số lượng thì chỉ tăng 1,2% nhưng số vốn mà các doanh nghiệp này đăng ký tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Trung bình 68 doanh nghiệp mới/ngày.

 

Trong khi đó, Cục Thuế TP cho biết trong quý I/2012 có trên 6.700 doanh nghiệp xin ngừng hoạt động. Như vậy, trung bình có 74 doanh nghiệp ngừng/ngày.

 

So với con số “sinh” và “tử” mỗi ngày của năm ngoái, 69 doanh nghiệp mới/ngày và đến 81 doanh nghiệp “chết”/ngày thì con số năm nay “lạc quan” hơn. Năm 2011 có gần 25.100 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập tại Sở KH&ĐT TP, gần 29.600 doanh nghiệp xin ngừng nghỉ tại Cục Thuế TP.

 

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Cục phó Cục Thuế TP, cho biết quan sát sơ bộ của Cục cho thấy doanh nghiệp ngưng, nghỉ này chủ yếu là doanh nghiệp liên quan đến bất động sản. Do lĩnh vực bất động sản bị chựng lại nên các ngành nghề như kinh doanh, môi giới bất động sản, tư vấn thiết kế, kiến trúc, san lấp, xây dựng, giám sát, thi công công trình, kể cả những ngành như sản xuất, buôn bán vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất… cũng bị ảnh hưởng.

 

6.700 doanh nghiệp chết: Vẫn chưa giải mã nổi
Đăng ký kinh doanh tại Sở KH & ĐT TP.HCM.

 

Loại doanh nghiệp nào chết?

 

Các cơ quan quản lý cần phân tích rõ con số doanh nghiệp ngưng, nghỉ để đánh giá đúng hơn về tình hình kinh tế và có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Nếu doanh nghiệp hoạt động lâu năm, doanh nghiệp lớn mà phải ngưng, nghỉ thì đánh giá khác, doanh nghiệp nhỏ ngưng nghỉ thì đánh giá khác. Đồng thời cũng cần khảo sát lý do.

 

850 chi nhánh tử, 1.800 chi nhánh sinh

 

Trong từng lĩnh vực đều vậy, doanh nghiệp này rời thị trường thì thị phần đó được san sẻ cho các doanh nghiệp còn lại. Điều này thể hiện qua số liệu tăng trưởng chi nhánh, địa điểm kinh doanh. Trong khi số doanh nghiệp không tăng nhiều thì số chi nhánh, địa điểm kinh doanh mới lại tăng cao. Từ đầu năm đến 19-4, các doanh nghiệp cắt giảm gần 850 chi nhánh nhưng cũng có gần 1.800 chi nhánh mới được thành lập. Đặc biệt, có khoảng 200 địa điểm kinh doanh bị cắt giảm thì có trên 800 địa điểm kinh doanh mới được lập ra, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho rằng “việc ra đời một doanh nghiệp mới biểu lộ sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau, càng ra đời nhiều thì cạnh tranh càng khốc liệt. Việc ra đời một chi nhánh mới lại cho thấy doanh nghiệp đang mở rộng hoạt động, khẳng định vị trí của mình. doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có niềm tin vào thị trường thì mới mở rộng hoạt động chứ!”.

 

 Hộ cá thể nâng thành doanh nghiệp

 

Trong quý I/2012, TP.HCM có 26.400 hộ cá thể xin ngưng hoạt động, trong khi chỉ có 7.600 hộ cá thể mới ra đời.

 

Ông Nguyễn Trọng Hạnh cho biết rất khó đánh giá con số ngưng, nghỉ của hộ cá thể. Bởi vì việc ngưng, nghỉ của họ trong nhiều trường hợp không hẳn là kinh doanh không nổi. Có rất nhiều người xin ngưng hộ cá thể để chuyển sang thành lập doanh nghiệp, chủ yếu là các hộ kinh doanh hàng ăn, hàng uống, nhà nghỉ, nhà cho thuê…

 

Ngành thép có 4-5 doanh nghiệp gặp khó

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam

 

Trong gần 100 doanh nghiệp sản xuất thép, có 4-5 doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa có doanh nghiệp nào nói chính thức ngừng hoạt động cả.

 

Khó khăn lớn nhất của ngành thép là đầu ra. Không bán được hàng nên doanh nghiệp phải giảm sản xuất. Tuy nhiên, con số 59% thép tồn kho mà báo chí hay nhắc đến là không chính xác đâu. Tôi không gọi con số này là “tồn kho” mà gọi là “gối đầu” cho hệ thống thép tiêu thụ. Quy trình ngành thép khác với các ngành, phải mất thời gian để ra kho, ra bãi, đưa đến các trung tâm phân phối, cấp 1, cấp 2… nên số hàng “gối đầu” lớn.

 

Doanh nghiệp du lịch muốn ngành ăn, nghỉ cùng phối hợp

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM

 

70 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Du lịch TP.HCM đều đứng trước khó khăn nhưng chưa đến mức ngưng hoạt động.

 

Khách đăng ký tour thấp hơn so với các năm trước vì giá tour tăng. Giá tour tăng là vì các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vận tải đều tăng giá, có cái hợp lý, cũng có cái tăng vô tội vạ.

 

Du lịch mà giảm thì nhà hàng, khách sạn cũng bị lây theo thôi. Để “cứu” ngành du lịch cũng như các dịch vụ ăn, nghỉ, sáng 25/4, hiệp hội họp bàn với gần 20 doanh nghiệp trong nhóm kích cầu du lịch, quyết định gửi báo cáo lên Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, các sở, ngành ở các địa phương để đề nghị các doanh nghiệp liên quan bắt tay giảm giá.

 

Theo PLTPHCM