1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Grab và các hãng xe công nghệ hoạt động bình thường, tự chọn mô hình phù hợp

(Dân trí) - Từ ngày 1/4/2020, Bộ GTVT chỉ đạo triển khai hoạt động kinh doanh vận tải theo các quy định mới tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ ban hành ngày 17/1/2020 và Grab cũng như các hãng xe công nghệ được hoạt động bình thường và tự chọn mô hình phù hợp.

Hai mô hình mới cho xe công nghệ

Bộ GTVT đã có hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải như Grab, Be, Fast Go... qua Quyết định 146 của Bộ GTVT nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp phần mềm kết nối vận tải, doanh nghiệp vận tải thực hiện theo quy định của Chính phủ tại nghị định 10.

Cụ thể, theo điều 35 của nghị định 10, trong đó quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải thành hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất là đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp thứ hai là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô theo quy định của nghị định 10, các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan.

Do vậy, các đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định tại điều 35 của nghị định 10. Grab và các hãng xe cho biết họ vui mừng được trong một môi trường mới cạnh tranh bình đẳng và đang tiến hành lựa chọn mô hình để tối ưu hoạt động, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn đối tác đã ký kết và hàng triệu khách hàng thường xuyên của mình.

Dừng thí điểm, xe công nghệ như Grab được bước vào hoạt động chính thức

Phát biểu về nghị định 10/2020 của Chính phủ, đại diện Grab cho biết: “GrabCar đang hoạt động tại Việt Nam theo loại hình xe ô-tô chở khách dưới 9 chỗ, sử dụng hợp đồng điện tử không theo tuyến cố định. Nghị định 10/2020 quy định: xe hợp đồng dạng này phải được dán 3 tem: phù hiệu xe hợp đồng (gắn ở kính trước), logo hợp tác xã (gắn ở cửa), tem GrabCar dán ở kính lái bên trong). Để có thể hoạt động hợp pháp, tất cả các xe GrabCar đều phải có cả 3 tem này. Thực tế, quy định này không ảnh hưởng lớn đến việc hoạt động kinh doanh của Grab. Trong khi đó, thời gian thực hiện việc dán tem, phù hiệu sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 1/7/2020. Grab tin rằng hãng sẽ có đủ thời gian để thực thi theo quy định của pháp luật”.

Rõ ràng với những quy định trên, hoạt động của Grab tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng lớn, thậm chí nếu xét khách quan thì còn giúp Grab “danh chính ngôn thuận” hơn nữa. Đặc biệt đây còn là cơ hội để Grab cạnh tranh lành mạnh với taxi truyền thống, giải quyết được bài toán kiện tụng triền miên như thời gian qua.

Grab và các hãng xe công nghệ hoạt động bình thường, tự chọn mô hình phù hợp - 1

Với Nghị định 10/2020, Grab đang có cơ hội lớn để trở thành đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải một cách danh chính ngôn thuận.

Grab tìm thấy nhiều cơ hội phát triển mới từ Nghị định 10/2020

Việc dán tem, phù hiệu thoạt nghe tưởng sẽ xảy ra nhiều bất cập cho Grab. Tuy nhiên, thời gian lập hồ sơ, xin cấp tem, phù hiệu chỉ mất từ 2-3 ngày. Nếu nhanh chóng triển khai thực hiện theo quy định, Grab không cần phải quá lo lắng.

Một số chuyên gia vận tải còn cho rằng Grab sẽ được lợi nhiều hơn với các quy định mới này. Ngoài chuyện “đường đường chính chính” kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, Grab sẽ có thể lọc được một lượng lớn tài xế chạy “chui” – đây vốn là vấn đề nan giải của Grab trong thời gian qua. Hãng cũng sẽ củng cố lại lực lượng xe, kiểm soát tốt lượng xe cũng như quản lý được các xe đã đăng ký. Điều này càng nâng cao an toàn cho cả tài xế lẫn khách hàng. Chưa hết, việc dán phù hiệu cũng giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu Grab, thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng dịch vụ. Còn tài xế của GrabCar sẽ không bị ảnh hưởng gì về thu nhập.

Theo đại diện của Grab, trong thời gian này, Grab vẫn hoạt động bình thường, khách hàng vẫn có thể duy trì việc đặt xe, gọi đồ ăn hay giao hàng. Không có bất cứ sự xáo trộn nào về chính sách giá hay chất lượng dịch vụ. Tôn chỉ của Grab vẫn là đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng và tuân thủ những quy định của pháp luật.

Grab và các hãng xe công nghệ hoạt động bình thường, tự chọn mô hình phù hợp - 2
Các chuyên gia vận tải đánh giá, với Nghị định 10/2020, không chỉ Grab mà cả tài xế và người dùng GrabCar đều sẽ được hưởng lợi.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động này, hy vọng sẽ có thể hoạt động trên phạm vi toàn quốc thay vì chỉ hoạt động ở các địa phương trong đề án thí điểm. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho Grab mở rộng thị trường”, vị đại diện nhấn mạnh.

Với cách nhìn nhận các điểm tích cực và thông thoáng của Nghị định 10 để áp dụng vào hoạt động của mình, Grab tiếp tục tối ưu các tính năng trên nền tảng của mình, cùng với việc cải thiện chất lượng dịch vụ để đạt kết quả cao hơn trên thị trường thời gian tới./.

Long Quân