Grab bắt tay với nhiều “ông trùm” và được “rót” thêm 1,46 tỷ USD

(Dân trí) - Grab đang hợp tác với các công ty hàng đầu thế giới như Toyota, Hyundai, Microsoft và Mastercard. Grab cũng xác lập quan hệ với nhiều tập đoàn lớn và được một quỹ “khủng” đầu tư 1,46 tỷ USD.

Ngày 6/3, đại diện Grab cho biết, đơn vị này vừa nhận thêm 1,46 tỷ USD từ Quỹ Vision của SoftBank (SoftBank Vision Fund - SVF). Khoản vốn tăng thêm từ SVF nâng tổng số vốn huy động được trong vòng gọi vốn Series H hiện tại của Grab lên tới hơn 4,5 tỷ USD.

Các nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn này gồm có Toyota Motor Corporation, Oppenheimer Funds, Hyundai Motor Group, Booking Holdings, Microsoft Corporation, Ping An Capital và Yamaha Motor.

Grab 2 (1).jpg
Grab đang ngày càng “bành trướng” khi bắt tay với các “ông lớn” và được đầu tư mạnh tay

Theo Grab Việt Nam thì Grab đặt kế hoạch sử dụng số vốn huy động nói trên để tiếp tục phát triển chiến lược “siêu ứng dụng” tại Đông Nam Á, với mục tiêu mang thêm nhiều dịch vụ quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày và thêm nhiều tiện ích đến với người dùng.

Grab cũng lên kế hoạch mở rộng các lĩnh vực kinh doanh hiện tại như dịch vụ tài chính, giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa, nội dung số và thanh toán kỹ thuật số. Đồng thời hãng này cũng công bố nhiều dịch vụ mới trong năm 2019 được xây dựng trên nền tảng mở của Grab, GrabPlatform. Các dịch vụ này bao gồm xem video theo yêu cầu (hợp tác với HOOQ); chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số (hợp tác với Ping An Good Doctor); bảo hiểm (hợp tác với ZhongAn International) và đặt khách sạn (hợp tác với Booking Holdings).        

Cụ thể, Grab sẽ đầu tư một phần đáng kể số vốn vừa huy động được vào Indonesia, quốc gia Grab đang giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kết nối di chuyển khi chiếm đến 60% thị phần đặt xe máy và 70% thị phần đặt xe ô tô tại quốc gia này.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh của Grab tại Indonesia đang phát triển nhanh với doanh thu tăng hơn gấp đôi trong năm 2018. Grab sẽ sử dụng số vốn này để thúc đẩy mở rộng dịch vụ GrabFood và GrabExpress, đồng thời ra mắt thêm lĩnh vực kinh doanh mới tại Indonesia.

Grab là một phần trong hệ sinh thái kỹ thuật số lớn nhất của Indonesia, thông qua quan hệ hợp tác với OVO và Tokopedia. Trong năm 2018, GrabFood đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại Indonesia với độ phủ từ 13 thành phố vào đầu năm và tăng lên 178 thành phố vào cuối năm, số lượng đơn hàng tăng gần gấp 10 lần.

Vào tháng 1/2019, theo công ty nghiên cứu Kantar, GrabFood là dịch vụ giao nhận thức ăn lớn thứ 2 tại Indonesia, với 44% người được khảo sát lựa chọn là dịch vụ giao nhận thức ăn họ sử dụng thường xuyên nhất, so với tỉ lệ 25% vào tháng 4/2018. 

Trên quy mô tập đoàn, lĩnh vực kinh doanh kết nối di chuyển của Grab đã phát triển ấn tượng sau khi mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á với doanh thu tăng gần gấp đôi chỉ từ tháng 3/2018 đến tháng 12/2018. Trong thời gian này, doanh thu của GrabFood tăng gấp 45 lần.

GrabFood hiện là dịch vụ giao nhận thức ăn có được sự hiện diện tại 199 thành phố khắp 6 quốc gia Đông Nam Á. Từ tháng 3 đến tháng 12/2018, GrabExpress cũng đã tăng khối lượng đơn hàng giao nhận siêu tốc và giao nhận trong ngày lên hơn gấp 3 lần trên toàn Đông Nam Á và hiện đã có mặt tại 150 thành phố.

Đại Việt