Gom lá cò ke bán qua Trung Quốc
Lá cây cò ke - một loại cây chứa dược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất - đang có nguy cơ bị tận diệt bởi cơn sốt săn lùng ở tỉnh Nghệ An để bán cho thương lái Trung Quốc.
Gần đây, ở 2 huyện miền núi Tương Dương và Con Cuông, tỉnh Nghệ An, nhiều người dân đổ xô vào rừng khai thác lá cây cò ke...
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Ồ ạt thu gom
Dọc theo Quốc lộ 7 từ huyện Con Cuông lên huyện Tương Dương, theo quan sát của chúng tôi, có nhiều điểm thu mua lá cò ke. Tại xóm Bãi Văn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, người dân thu gom lá cò ke tập kết thành những hàng dài bên quốc lộ.
Anh Lao Cao Sỹ, xóm Bãi Văn, đang hái lá cò ke bán cho các thương lái cho biết: “Một kg lá cò ke khô bán được khoảng 7.000 đồng, một ngày vào rừng chặt được khoảng 40 kg lá, tính ra cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Trong lúc không có việc gì làm, thấy thương lái đến thu mua lá cò ke nên mình vào rừng kiếm thôi. Ở đây có nhiều người đi hái lá cây này về bán lắm”.
Một điểm thu gom lá cò ke bán cho các thương lái ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An
Trong vai người thu mua lá cò ke, chúng tôi ghé vào một điểm thu mua dược liệu ở bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương. Tại đây, một người đàn ông tên Chiến cho biết: “Từ tháng 8-2013 đến nay, hằng ngày, chúng tôi thu gom lá cò ke để bán cho thương lái. Giá lá khô, chúng tôi mua gần 8.000 đồng/kg. Khi gom đủ hàng, thương lái cho xe tải đến chở đi ngay”.
Ông Chiến cho biết thêm: “Thương lái thu gom rồi chở đi Trung Quốc bán, còn mua làm gì chúng tôi cũng không rõ, chỉ biết thương lái mua thì mình thu gom của người dân các bản rồi bán lại cho họ thôi”.
Sẽ kiểm tra, xử lý
Qua tìm hiểu của chúng tôi, lá cây cò ke mà người dân ở Nghệ An khai thác được các đầu nậu thu gom, sau đó chuyển sang Trung Quốc bán.
Ông Nguyễn Trong Tân, Chủ tịch UBND xã Tam Thái, cho biết: “Từ tháng 9 trở lại đây, có nhiều người trên địa bàn xã vào khe Càn, khe Thằm hái lá cò ke bán cho các thương lái với giá lá tươi khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Người dân vào rừng hái lá là tự phát, thấy thương lái thu mua nên họ kiếm về bán. Một ngày hái lá cũng kiếm được khoảng 100.000-150.000 đồng”.
Do nhiều người hái nên lá cây cò ke đang có nguy cơ cạn kiệt. Gần đây, để hái được lá, người dân phải đi sâu vào rừng từ 4-5 km. “Sắp tới, xã sẽ cho kiểm tra và báo cáo các đơn vị chức năng” - ông Tân cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Sỹ Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, nói: “Trong huyện, nhiều người dân ở các xã Tam Thái, Tam Quang, Tam Đình vào rừng hái lá cò ke bán cho các thương lái. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và có biện pháp xử lý nếu việc khai thác, thu mua lá cò ke là trái phép”.
Cây cò ke còn gọi là chua ke, dan ke. Đây là một loại thực vật bản địa ở Đông Nam Á và Trung Quốc. Trong đông y, lá cò ke dùng để chữa các bệnh về tiêu hóa và một số bệnh khác.
Thu gom cả hạt bo bo Không chỉ thu gom lá cò ke, trong thời gian gần đây, tại huyện miền núi Con Cuông, Tương Dương cũng có rất nhiều thương lái đến thu gom hạt bo bo. Các thương lái đến tận bản đặt hàng người dân. Ông Lương Văn Lợi (bản Còn Phèn, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương) cho biết: “Mấy tháng nay, thương lái về tận bản mua hạt bo bo với giá khoảng 20.000 đồng/kg hạt khô. Vào những đợt cao điểm, mỗi tuần họ thu mua hàng tấn hạt bo bo. Chúng tôi không rõ họ mua để làm gì, chỉ nghe họ nói là mua đem sang Trung Quốc bán”. |
Theo Đức Ngọc