Gojek làm mảng 4 bánh: Có vào cuộc chiến "đốt tiền"?

Hoàng Dung

(Dân trí) - Đến giờ, chỉ 2 trong số 4 hãng gọi ô tô công nghệ từng có mặt ở Việt Nam còn trụ lại. Khi Gojek tiến vào mảng 4 bánh, đâu sẽ là thách thức?

"Nóng" thị trường gọi xe 4 bánh

Mới đây, hãng gọi xe Gojek khẳng định sẽ nhanh chóng ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ (GoCar). Năm 2018, Go-Viet (tiền thân của Gojek) ra mắt tại Việt Nam và hoạt động trên 3 lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood). Từ tháng 8/2020, hãng chuyển đổi thương hiệu từ Go-Viet sang Gojek.

Xác nhận với Dân trí, ông Phùng Tuấn Đức - Tổng giám đốc Gojek Việt Nam - cho biết, hãng đang chuẩn bị cho kế hoạch ra mắt thị trường dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ trong thời gian sắp tới. 

"Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng lớn trong lĩnh vực gọi ô tô công nghệ. Ở Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ sử dụng smartphone của người dân đều ở mức trên 60%, trong khi tỷ lệ sử dụng dịch vụ gọi ô tô công nghệ rất thấp, nhất là ở Hà Nội. Vì vậy, thị trường có nhiều cơ hội cho nhiều người chơi", ông Đức cho biết.

CEO trên cho rằng thời điểm này là hợp lý để tham gia thị trường 4 bánh, cả ở  góc độ nhu cầu thị trường cũng như chiến lược phát triển hệ sinh thái của doanh nghiệp. Hãng đang tuyển dụng đối tác tài xế cho thị trường TPHCM. Việc chuẩn bị ra mắt GoCar đang được triển khai theo đúng kế hoạch và đang ở các giai đoạn cuối cùng trước khi giới thiệu với thị trường trong năm nay, theo hé lộ của CEO Phùng Tuấn Đức. 

Gojek làm mảng 4 bánh: Có vào cuộc chiến đốt tiền? - 1

Gojek tiến vào mảng 4 bánh trong bối cảnh mảng này tại Việt Nam đang cạnh tranh rất "nóng". CEO Phùng Tuấn Đức cho hay hãng không "đốt tiền" để tăng thị phần (Ảnh: H.D).

Thực tế, trước Gojek, từng có 4 hãng gọi xe công nghệ đình đám nhảy vào thị trường Việt Nam như Easy Taxi, Grab, Uber, Be nhưng hiện nay chỉ còn 2 hãng trụ được. 

Đầu tiên phải kể đến là "ngoại binh" Easy Taxi đến Việt Nam vào tháng 12/2013 với dịch vụ gọi xe 4 bánh. Nhưng đến năm 2015, hãng này chính thức rút lui khỏi cuộc chơi.

Tiếp theo là Grab vào TPHCM từ tháng 2/2014 với dịch vụ gọi xe 2 bánh, 4 bánh và mở rộng thị trường ra Hà Nội vào năm 2015. Tính đến nay, Grab vẫn là "anh lớn" trong thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam khi sống khỏe, sống tốt.

Đến tháng 6/2014, một đối thủ nặng ký khác của Grab là Uber, cũng vào Việt Nam. Sau 4 năm cầm cự, Uber đã bị "nuốt  chửng" tại thị trường Việt Nam khi  tuyên bố bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab. 

Cuối năm 2018, một hãng gọi xe thuần Việt ra đời có tên là Be, cạnh tranh trực tiếp với Grab, Gojek. Không chờ đợi quá lâu, Be cho ra mắt 2 mảng kinh doanh chính là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh) đồng loạt tại Hà Nội và TPHCM. Đến nay, Be vẫn đang hoạt động. 

Cuộc chiến "đốt tiền"?

"Sức nóng" của thị trường gọi xe, đặc biệt là xe công nghệ ở Việt Nam rất lớn. Do đó, việc Gojek gia nhập thị trường gọi ô tô công nghệ thời điểm này, bên cạnh  những  thuận lợi theo chia sẻ của "người trong cuộc" bên trên thì cũng được cho là sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.

Chia sẻ với Dân trí, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, Gojek sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi gia nhập thị trường gọi xe 4 bánh tại Việt Nam khi hiện nay, 2 đối thủ nặng ký của hãng là Grab và Be đang dần phủ sóng, chiếm lĩnh thị trường.

Theo góc nhìn của ông Long, thị trường gọi ô tô công nghệ ở Việt Nam vẫn khá tiềm năng, có đất phát triển. Nhưng điều quan trọng là các hãng có trụ lại được không. Bởi lẽ trước đó, một tên tuổi khá lớn trong ngành là Uber cũng từng bị đá bay khỏi thị trường.

"Cho nên, Gojek muốn thắng ở cuộc chơi này cần có 3 yếu tố. Thứ nhất là phải cạnh tranh được về giá so với các hãng khác. Thứ hai là nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến trải nghiệm tốt cho người tiêu dùng. Thứ ba là có mức chiết khấu hấp dẫn cho đối tác, mà đối tác ở đây chính là các tài xế", ông Long phân tích.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì cho rằng, dịch vụ gọi ô tô công nghệ đang trở thành trào lưu, là chiến lược mà nhiều hãng xe đang hướng đến. Không chỉ với các hãng gọi xe công nghệ mà ngay cả taxi truyền thống cũng đang liên kết, bắt tay với nhau để hình thành nên các chương trình chuyển đổi số nhằm tăng sức cạnh tranh.

Do đó, việc Gojek tham gia vào thị trường là điều dễ  hiểu. Tuy vậy, ông Thịnh nêu quan điểm, Gojek muốn đi nhanh, đi xa, ngoài việc hãng có công nghệ tốt, ưu việt thì cũng nên xem xét việc "bắt tay" với các đối thủ hay các hãng taxi truyền thống để mở rộng thị trường. "Có thể hãng đi sau nhưng tôi hy vọng họ sẽ có những công nghệ mới hơn, cao hơn, độ liên kết mở hơn để có thể cạnh tranh được với những đối thủ đáng gờm", ông nói.

Theo CEO Gojek Phùng Tuấn Đức, dịch vụ 4 bánh sắp tới của hãng sẽ không lựa chọn chiến lược "đốt tiền" để tăng thị phần, không tăng trưởng nhanh bằng mọi giá chỉ dựa vào khuyến mãi mà giữ chân khách thông qua công nghệ, chất lượng dịch vụ. 

Về vấn đề đối thủ ngày càng nhiều, không chỉ có các hãng gọi ô tô công nghệ mà còn với cả taxi truyền thống, ông Đức cho rằng, hãng tin tưởng vào cơ hội cho sự cạnh tranh lành mạnh để thị trường có những sản phẩm, dịch vụ tốt, phù hợp với nhu cầu của người dùng.

"Khó khăn, thử thách luôn là một phần tất yếu trong bất kỳ hoạt động kinh doanh nào. Chúng tôi đặt ra thứ tự ưu tiên những việc cần giải quyết. Hiện tại, ưu tiên của chúng tôi là đảm bảo tính tuân thủ, sự an toàn", ông Đức nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm