Gói 30.000 tỷ đồng: Mới chỉ giải ngân được trên 83 tỷ đồng
(Dân trí) - Tính đến ngày 13/8, các ngân hàng đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng và 34,3 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng. Đà Nẵng là thành phố cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân lớn nhất.
Chiều 16/8, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo về kết quả triển khai gói 30.000 tỷ đồng trong chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 2 tháng triển khai, tính đến ngày 13/8, các ngân hàng đã cam kết cho vay 219 khách hàng cá nhân với số tiền 65,57 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 208 khách hàng với dư nợ 48,92 tỷ đồng.
Hiện nay, Đà Nẵng là thành phố cho vay hỗ trợ nhà ở đối với khách hàng cá nhân lớn nhất (chiếm tỷ trọng 29,25% toàn quốc), tiếp theo là Hà Nội (28,58%), Vĩnh Phúc (11,85%), TP.Hồ Chí Minh (10,51%), còn lại 19,81% ở các tỉnh, thành phố khác.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) có số khách hàng cá nhân thuộc diện vay hỗ trợ nhà ở lớn nhất với tổng vốn cam kết 23,8 tỷ đồng. Nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới là ngân hàng có tốc độ giải ngân nhanh nhất, đạt gần 100%. Còn Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long là đơn vị duy nhất chưa giải ngân cho khách hàng nào (mặc dù có cam kết cho vay 2,7 tỷ đồng với 11 khách hàng).
Với khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được ký hợp đồng tín với 2 khách hàng (1 khách hàng ở Huế và 1 khách hàng ở TP Hồ Chí Minh) với số tiền là 658 tỷ đồng và BIDV đã giải ngân cho 1 khách hàng (trên địa bàn Huế) với số tiền là 34,3 tỷ đồng. Agribank đang làm thủ tục đăng ký để được xác nhận ký hợp đồng tín dụng với 1 khách hàng (trên địa bàn Cần Thơ) với số tiền 50 tỷ đồng.
Theo báo cáo của các ngân hàng còn lại thì các ngân hàng sẽ hoàn thành việc thẩm định một số dự án và sẽ báo cáo xin xác nhận nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 này. Do có sự tác động từ gói hỗ trợ cho vay nhà ở của Chính phủ, nên tồn kho bất động sản đến hết tháng 6/2013 đã giảm 15,4% so với cuối quý I/2013.
Chậm giải ngân… không phải vì thiếu tiền
Dù đã có kết quả bước đầu nhưng theo thừa nhận của ông Nguyễn Viết Mạnh, việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc chậm giải ngân không phải do ngân hàng thiếu tiền. Nguyên nhân chính là do sự mất cân đối cung - cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, bởi hầu hết các dự án nhà ở xã hội hiện mới bắt đầu triển khai nên chưa có hàng hóa cho thị trường.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn, tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang, còn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở xã hội không đáng kể.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà thuộc Bộ Xây dựng cho biết: Thời gian trước đây, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Các dự án ở Đặng Xá, Vĩnh Hưng, Ngô Thì Nhậm đều là sản phẩm có trước thời điểm 7/1/2013.
Do đó, “nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cho các cá nhân đủ điều kiện vay mua, thuê, thuê mua nhà theo chương trình hỗ trợ nhà ở còn hạn chế”, đại diện Bộ Xây dựng nói. Cùng với đó, việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng chỉ ra một thực tế, thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã cho phép 5 ngân hàng thương mại được nhận thế chấp bằng chính căn nhà mua của khách hàng. Tuy nhiên, một số văn phòng công chứng không đồng ý công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay (quyền phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà).
Theo quy định hiện hành, việc xử lý tài sản đảm bảo là chính căn nhà xã hội bắt buộc thông qua chủ đầu tư dự án, nhưng một số chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với ngân hàng trong việc ký hợp đồng ba bên ngân hàng - chủ đầu tư - khách hàng. Thậm chí, ở một số địa phương còn chậm chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, thủ tục xét duyệt của các cấp ngành để tiến hành khởi công xây dựng dự án nhà ở còn chậm, ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và tiến độ thực hiện dự án.
Trước những tồn tại này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại các dự án nhà ở xã hội hiện không được phép thế chấp để tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng căn nhà mua làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng; chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đôn đốc các ngân hàng tích cực triển khai, thông tin đầy đủ đến khách hàng, yêu cầu chấp hành đúng các quy định, hướng dẫn tận tình khách hàng vay vốn, đẩy nhanh công tác thẩm định và quyết định cho vay các cá nhân và doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ”, ông Nguyễn Viết Mạnh nói.
Nguyễn Hiền