Gói 30.000 tỷ: Doanh nghiệp “hưởng lộc”, dân nghèo chờ dài
Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ chính thức có hiệu lực từ 1/6 nhưng rất ít đối tượng tiếp cận được. Trong khi người dân chật vật làm thủ tục hồ sơ, các doanh nghiệp lại có vẻ được ưu ái hơn khi tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này.
Theo Bộ Xây dựng, có 30 dự án nhà ở đang được xem xét vay từ gói nguồn vốn ưu đãi. Trong số đó, có 15 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đăng ký vay vốn đầu tư trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02; 12 dự án đăng ký vay vốn sau và 3 dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.
Điểm đáng chú ý, trong danh sách các dự án được Bộ Xây dựng đề xuất vay vốn đợt đầu chỉ có 4 dự án của DNNN, còn lại là các dự án của các đơn vị tư nhân, cổ phần không có vốn Nhà nước, cổ phần có vốn nhà nước nhưng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.
Chính vì thế, lãnh đạo Bộ Xây dựng vừa lên tiếng chính thức khẳng định không hề ưu ái cho các doanh nghiệp thuộc Bộ lọt vào danh sách đợt đầu vay vốn.
Tại thời điểm này, Hải Phòng có 2 dự án đã được vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ là dự án khu chung cư An Đồng của Công ty PG và dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp Bắc Sơn của Công ty CP Xây dựng và phát triển đầu tư Hải Phòng (CDI). Theo CDI, có 10 khách hàng của công ty đã làm thủ tục vay vốn ưu đãi, trong đó ngân hàng đã thẩm định 2 hồ sơ và sẽ giải ngân trong thời gian tới.
Ngân hàng BIDV cũng đã xác nhận cho vay từ gói tín dụng ưu đãi đối với 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland, số tiền vay là 117,7 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân với số tiền 540 tỷ đồng để đầu tư dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội tại TP.HCM. Cả 4 công ty trên đều là các doanh nghiệp không có vốn Nhà nước. Các dự án khác đang được các ngân hàng khẩn trương thẩm định để quyết định cho vay.
Bộ Xây dựng cũng đang thẩm định một số dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà xã hội và trong vòng 2 tuần tới sẽ đề xuất danh sách đợt hai gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng với các ngân hàng thương mại cổ phần xem xét cho vay.
Mặc dù đã triển khai hơn một tháng nhưng tình hình giải ngân nguồn vốn này còn khá chậm. Mới đây, NHNN vừa đề nghị 5 ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai cho vay. Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo NHNN đôn đốc các ngân hàng thương mại nhanh giải quyết cho người dân vay mua nhà.
Cảnh báo đi chệch mục tiêu
Thực tế, việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ mua nhà ở này vẫn còn khá nhiều điều bất cập, thậm chí, chính nhân viên ngân hàng cũng lúng túng khi trả lời các thắc mắc của khách hàng. Tại phần lớn các chi nhánh ngân hàng, giải ngân cho khách hàng cá nhân vẫn chưa thực hiện được. So với người dân, các doanh nghiệp được ưu ái hơn bởi để kiểm soát tốt nhất vốn đi đúng địa chỉ và không tạo nợ xấu, ngân hàng vẫn sẽ siết chặt hồ sơ, xét duyệt đối tượng đi vay chặt chẽ nhất, cho vay đúng đối tượng.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, lo ngại này đúng là có cơ sở vì so với cho vay khách hàng cá nhân, khi cho doanh nghiệp vay, ngân hàng sẽ nhàn hơn. Hơn nữa, gói hỗ trợ 30.000 tỷ hiện tại đã chia sẵn tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân, song các chỉ tiêu cụ thể cũng như sẽ thực hiện với nhóm nào trước, nhóm nào sau chưa được công bố nên hoàn toàn có thể đặt giả thuyết doanh nghiệp có quyền lợi liên quan sẽ được ưu tiên cho vay trước.
Vì thế, theo ông Hiếu, tỷ lệ 30-70% nên được chia đồng đều cho tất cả các ngân hàng, không để tình trạng mức chia khác nhau mà cuối cùng gộp lại vẫn thành con số chung. Nếu để tình trạng này, có thể xảy ra việc một số ngân hàng cho doanh nghiệp vay nhiều, nhưng cuối cùng vẫn hội tụ lại ở 30% trong khi phần cho người dân thì bị bỏ ngỏ.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, có ngân hàng công bố tỷ trọng phân bổ cho vay từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 60% cho doanh nghiệp và 40% cho người tiêu dùng vay trong 3 năm đầu tiên, trong lúc quy định tỷ lệ này là 70% cho người tiêu dùng và 30% cho doanh nghiệp. Người mua vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để tiếp cận nguồn vốn này.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngay từ đầu, ngân hàng cũng xác định sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp để tăng nguồn cung, sau đó mới đến người dân đi vay vốn, muốn người dân đi mua, doanh nghiệp đã phải có nhà để bán. "Số vốn tối đa cho khách hàng là người dân lên tới 21.000 tỷ đồng còn chưa tiêu hết, trong khi nguồn cung lại thiếu, nên các ngân hàng cũng đã đề nghị NHNN nâng mức cho vay doanh nghiệp lên, để làm sao trong suốt quá trình, tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho người dân vẫn đảm bảo, nhưng nguồn cung vẫn đủ", vị lãnh đạo này nói.
Ông Lê Hoàng Châu, lãnh đạo Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định: "Nhiều chủ đầu tư đã khởi công xây dựng mới nhiều dự án nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với con số hàng ngàn căn, tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng... lấy từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng là nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, trong lúc mục tiêu của Nghị quyết 02 là giải quyết hàng tồn kho, nhất là công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ chưa bán được hoặc đang xây dựng dở dang".
Vấn đề này, đại diện Vụ Tín dụng lý giải về tổng thể, NHNN sẽ quản lý tỷ lệ cho vay khách hàng doanh nghiệp tối đa là 30% trong toàn bộ chương trình thay vì chia đều và kiểm soát tại từng ngân hàng. Ông cũng bày tỏ, các ngân hàng có thể căn cứ đối tượng đi vay để có kế hoạch cho từng giai đoạn, chẳng hạn ban đầu đẩy mạnh cho doanh nghiệp, sau đó mới đến cá nhân.
Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị, ưu tiên cấp tín dụng cho người mua nhà với tỷ lệ 70% gói tín dụng, cần công bố đầy đủ các tiêu chí và điều kiện thủ tục vay mua nhà. Còn chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra giải pháp, ngân hàng nào cũng có bộ phận chuyên trách về khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, vì thế 2 bộ phận này phải song hành làm việc với nhau để tránh chuyện ngân hàng này có tiền, giải ngân tập trung hết cho "chỗ bở" là doanh nghiệp xong sau đó mới đến người dân.
Theo Duy Anh
VEF