1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Góc nhìn mới về quan niệm cũ: Tháng cô hồn có còn là ám ảnh?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Những năm gần đây, hiệu ứng tháng Ngâu dường như không còn tác động nhiều. Giới đầu tư có xu hướng trẻ và mới mẻ hơn rất nhiều. Họ không dễ bỏ qua cơ hội bởi những quan niệm cũ.

Tháng Ngâu không phải là điều gì quá khó khăn

Theo quan niệm người châu Á, tháng Ngâu hay cô hồn (tháng 7 âm lịch) không phải là tháng may mắn. Hầu hết các ngành kinh doanh có sự dè dặt nhất định. Cả giới kinh doanh nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng thường có tâm lý kiêng kỵ, không muốn xuất tiền trong tháng này.

Đơn cử như trên thị trường chứng khoán. Mấy năm trước, thị trường chứng khoán thường đi xuống vào tháng này. Thậm chí, có nhiều nhà đầu tư rủ nhau tạm "nghỉ chơi" chứng khoán trong thời gian này, kéo theo thanh khoản sụt giảm, thị trường giao dịch thiếu tích cực.

Góc nhìn mới về quan niệm cũ: Tháng cô hồn có còn là ám ảnh? - 1

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu ứng tháng Ngâu dường như không còn tác động nhiều tới thị trường. Giới đầu tư chứng khoán có xu hướng trẻ và mới mẻ hơn rất nhiều. Họ không dễ bỏ qua cơ hội bởi những quan niệm cũ.

Hoặc có ý kiến rất lạc quan cho rằng, tại mỗi thời điểm, thị trường sẽ bị chi phối bởi các yếu tố bên ngoài nên chuyện nhịp điều chỉnh xuất hiện cũng là lẽ tất yếu. Chỉ có điều mấy năm trước hoặc có thể là tháng Ngâu năm nay, việc đi xuống, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên thị trường trong tháng này thường thấp hơn đáng kể diễn ra trùng đúng vào thời điểm dân gian quen gọi là tháng cô hồn nên bị quy kết.

Thực ra, tháng 7 âm lịch nhưng lại là tháng 8 dương lịch, mà tháng 8 là thời điểm hầu như các vấn đề của năm đó đã khá rõ ràng, và các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức đã phải bắt đầu tính đến triển vọng của các doanh nghiệp trong năm sau. Thời điểm này lại trở nên đặc biệt thích hợp cho việc xem xét cơ hội đầu tư, khi mà khối lượng giao dịch ở mức thấp, giá cũng không có biến động nhiều.

Không chỉ với việc xuống tiền đầu tư, nhiều người cho rằng bỏ vốn kinh doanh cũng gây nhiều dè dặt trong thời điểm tháng cô hồn. Bởi nhiều người kinh doanh lo tháng này mà xuống tiền dễ gặp xui.

Bản thân những người mua sắm, tiêu dùng đặc biệt là những tài sản lớn như nhà, xe… cũng đều rất kiêng kỵ mua vào tháng này. Nhiều doanh nghiệp phải tung khuyến mại kèm theo nhiều ưu đãi hoặc giảm giá khi khách hàng mua sắm tháng này.

Song theo tôi, đối với các doanh nghiệp, vấn đề mang tính mùa vụ như thế này không phải là điều gì quá khó khăn, khi chúng ta có thể dùng các tháng thấp điểm của tiêu dùng để tập trung vào các hoạt động khác của doanh nghiệp, ví dụ như đào tạo nội bộ, hay triển khai các hoạt động mà vốn ít có khả năng thực hiện được trong các tháng cao điểm.

Ngoài ra, việc liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại định kỳ theo tháng, bất kể tháng đó có phải là tháng "cô hồn" hay không, cũng có thể kích thích được nhu cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, mỗi năm cũng có một đặc điểm riêng, ví dụ năm 2022 thì lạm phát, giá cả tăng cao là vấn đề mà mọi người quan tâm, việc trì hoãn mua sắm/đầu tư/tiêu dùng có thể dẫn tới phải trả chi phí cao hơn, nên nếu doanh nghiệp có thể nhấn vào thông điệp đó cũng có thể giúp đẩy mạnh doanh số.

Đôi khi tháng Ngâu bị "đổ tội"

Ở góc nhìn khác, có thể coi sự ảnh hưởng mà người ta bàn đến ở tháng Ngâu, đôi khi chỉ là sự "trùng hợp"… Thường ảnh hưởng của tháng này chỉ đến với một số ngành nhất định và cũng giảm dần qua thời gian vì đây cũng là "khái niệm hơi cũ", bởi người tiêu dùng có xu hướng trẻ hóa dần. Việc các bạn trẻ mua nhà, mua xe cũng không còn là chuyện lạ, thay vì kiểu toàn những người thuộc thế hệ 7X như tôi.

Chuyện trùng hợp là có, vì thường tháng 7 âm lịch cũng là tháng 8 dương lịch - tháng rơi vào thời điểm vùng trũng thông tin, kể cả thông tin vĩ mô cũng như thông tin doanh nghiệp. Thanh khoản ở vùng trũng thông tin thường là thấp nên việc đổ tại tháng Ngâu cũng khá dễ dàng.

Có bạn từng đặt câu hỏi với tôi là liệu việc khó khăn trong kinh doanh tháng cô hồn ở một số ngành như bất động sản, xe, tài sản lớn khác… có tác động ngược lại cổ phiếu của doanh nghiệp đó trong tháng này hay không?

Thực ra, giá cổ phiếu biến động là phụ thuộc vào các yếu tố chưa thể lường trước được, chứ đối với các yếu tố mang tính mùa vụ và có thể lường trước như thế này, thì thường đã được phản ánh vào giá.

Cụ thể, kỳ vọng về doanh thu sẽ để ở mức không quá cao trong quý III. Riêng với năm nay thì hơi khác vì quý III năm 2021 lại là thời điểm giãn cách xã hội trên diện rộng do đại dịch Covid-19, nên có lẽ số liệu sẽ không ở hướng tiêu cực như mọi năm.

Đúng là khi ra các quyết định tài chính quan trọng, người châu Á thường có sự cẩn thận xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố, kể cả các yếu tố mang tính tâm linh. Tôi không nghĩ đó là một điều gì quá tiêu cực hay lạc hậu. Nếu coi đó là một sự cẩn thận thì cũng đúng vì cả một đời người những quyết định kiểu tậu xe, mua nhà … chúng ta đâu có làm nhiều lần.

Ông Warren Buffett cũng có nguyên tắc 20-slot nổi tiếng, nôm na là chúng ta chỉ có giới hạn 20 quyết định đầu tư trong một đời người, nên là "không chỉ có mỗi Hà Nội là không vội được đâu".

Khi ra quyết định đầu tư, chúng ta cũng phải cho mình thêm một thời gian để suy xét, kiểu như có một cái gờ giảm tốc (speed bump) cho luồng suy nghĩ của mình. Thêm một thời gian lùi lại suy nghĩ, để không bị cuốn theo áp lực xung quanh, luôn là một lựa chọn không tồi.

Bài viết thể hiện góc nhìn của ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, một trong những chuyên gia phân tích vĩ mô hàng đầu Việt Nam.

Phạm Lưu Hưng
Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán SSI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm