Góc nhìn của một Fn về chuyện "chứng khoán chỉ dành cho nhà giàu"
(Dân trí) - Quy định hạn mức giao dịch tối thiểu là 1.000 với cổ phiếu trên sàn HoSE nếu được áp dụng vô hình trung là "cú tát" với cả F0 lẫn Fn.
Ngày 3/3, tôi đã muốn bán sạch danh mục chứng khoán. Việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đề xuất sẽ nâng lô giao dịch cổ phiếu tối thiểu lên 1.000 như là "cú tát" cho nhà đầu tư chúng tôi, cả F0 (nhà đầu tư mới - PV) lẫn Fn (nhà đầu tư đã có thời gian dài gắn bó với thị trường chứng khoán - PV).
Theo thị trường chứng khoán này đã xấp xỉ 20 năm, tôi thấy có mấy câu chuyện.
Đầu tiên, việc quy định mỗi lần phải mua ít nhất 1.000 cổ phiếu là không công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chuyện nâng lô 1.000 này vô hình trung làm hạn chế sức hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ý thứ hai liên quan đến vấn đề nâng hạng thị trường và các mục tiêu để theo đuổi câu chuyện nâng hạng này. Việc nâng lô lên 1.000 cũng không loại trừ sẽ là nhân tố đi ngược lại mục tiêu đó. Vì bản chất, để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thì có nhiều vấn đề trong đó có câu chuyện thanh khoản. Với lỗi hệ thống hiện tại thì câu chuyện thanh khoản thị trường không những không được đẩy lên mà thậm chí còn kém đi. Và như thế thì chuyện nâng hạng ngày càng xa dần mục tiêu ban đầu của cơ quan quản lý.
Dưới góc độ nhà đầu tư lâu năm, tôi còn thấy về mặt chính sách, giải pháp nâng lô giao dịch tối thiểu 1.000 chỉ mang tính tạm thời thì với những người mới tham gia như F0, có thể họ thấy câu chuyện ở đây là hệ thống đang có vấn đề.
Tôi liên tưởng đến giai đoạn 2010 - 2011, chính sách tiền tệ được điều hành theo kiểu gần như mỗi ngày lại có một văn bản hành chính. Mà động thái vừa rồi của HoSE cũng không loại trừ đang có ngôn ngữ vận hành mang mệnh lệnh hành chính nhiều hơn là điều tiết thị trường một cách bài bản. Điều này dẫn đến F0 và thậm chí Fn chúng tôi có thể có hoài nghi về cơ chế phối hợp về mặt chính sách cũng như mong muốn có một thị trường chứng khoán thực sự tốt của cơ quan quản lý chứng khoán.
Vừa qua, F0 là lực đẩy thị trường. Nhưng qua mấy dịp vừa rồi, từ những phiên giảm điểm lịch sử, các sự cố nghẽn lệnh đến vụ đề xuất nâng lô lên 1.000 này thì F0 cũng gần như nhận được bài học rồi. Về cơ bản, họ có thể đã có góc nhìn khác đi về thị trường chứng khoán.
Ngày 3/3, trên thị trường, việc nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu penny cuối phiên gần như là động thái "đánh đu" với chính sách khi thị trường có những tín hiệu không rõ ràng về mặt chính sách. Điều này có thể sẽ kéo theo một tâm lý đám đông của nhà đầu tư, kiểu như là đón đầu về mặt chính sách nhưng cũng không ngoại trừ họ sẽ "ăn vố nặng" trong chính câu chuyện chính sách. Việc hàng loạt cổ phiếu penny tăng trần chính là phản ứng mạnh mẽ, thể hiện rằng nhà đầu tư sẵn sàng rời các bluechip sang cổ phiếu "trà đá" nhằm cầu may.
Dĩ nhiên, đầu tư chứng khoán là tâm lý và kỳ vọng. Mà tâm lý lại nhiều khi quyết định hành vi của nhà đầu tư. Nhưng nếu như tín hiệu của nhà quản lý thị trường như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội… hay người điều hành của những đơn vị này có phát ngôn chưa cân nhắc cẩn thận thì cũng tạo thành điều bất ngờ với thị trường và khiến nhà đầu tư có phản ứng trái chiều trở lại.
Ngót nghét 20 năm đầu tư cổ phiếu, tôi thấy ngày trước thường tâm lý "bán tháo" xuất hiện khi thị trường có tín hiệu xấu đơn thuần về thị trường. Còn bây giờ có thể sẽ bị tác động ở một tâm lý khác với việc chính sách có thể mang tính giật cục, kiểu giải quyết sự vụ nhiều hơn.
Nâng lô lên 1.000 nếu được áp dụng thì chẳng những F0 không tiếp cận được cổ phiếu "ngon" mà Fn cũng thấy hoài nghi về chính sách quản lý, điều hành. Nói thật, tôi đã bán hết 30% danh mục và tính đến việc rút khỏi thị trường, để quan sát thêm những động thái quyết liệt, rõ ràng và tích cực hơn từ phía nhà quản lý.
Cũng có giải pháp là chuyển hết cổ phiếu dưới mệnh giá từ sàn HoSE về HNX hay UpCoM. Điều này có dễ đâu. Chuyển hay không không phụ thuộc vào lãnh đạo doanh nghiệp mà phụ thuộc vào ý chí của cổ đông. Không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận việc chuyển sàn, nhất là những bên có cổ đông ngoại với các cam kết, tiêu chí, ràng buộc rõ ràng khi đầu tư.
Về mặt tâm lý, nhà đầu tư chúng tôi cũng có những góc nhìn khác.
Ví dụ mấy ngày nay, khi sàn HoSE bị nghẽn lệnh thì chúng tôi chuyển sang mua bán cổ phiếu ở HNX, UpCoM để tránh "tắc đường". Giả sử có một số doanh nghiệp chuyển từ HoSE sang HNX song những doanh nghiệp có câu chuyện rõ ràng, vốn hóa lớn lại không chuyển, thì chúng tôi lại phải đặt câu hỏi là những bên đã chuyển có phải thực sự là doanh nghiệp tốt hay không. Mà liên quan đến chất lượng cổ phiếu thì nhà đầu tư chọn theo tâm lý, kỳ vọng. Thành ra phương án này cũng khó.
Tôi đọc Dân Trí, thấy chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp đưa ra quan điểm thay vì quy định phải mua ít nhất 1.000 cổ phiếu mỗi lần giao dịch thì phân theo thị giá và các bước giá khác nhau để giảm tải hệ thống. Tôi thấy đó cũng là ý hay. Ví dụ với cổ phiếu thị giá cao thì bước giá làm thấp xuống, trung bình mức khác, dưới mệnh giá lại mức khác. Như thế này thì công bằng với nhà đầu tư hơn. Còn nếu nhất nhất áp dụng nâng lô lên 1.000 thì cổ phiếu vốn hóa lớn hoặc thị giá lớn sẽ kém đi.
Tôi nghĩ các giải pháp đề ra cũng chỉ phần nào mang tính tình thế chứ chưa phải giải pháp căn cơ để thị trường có niềm tin tốt hơn. Chứ như mấy ngày qua, tôi chỉ tính chuyện đứng ngoài quan sát. Một thời gian nữa, việc quản lý cũng như điều hành thị trường có xu hướng rõ ràng hơn hoặc câu chuyện ổn định hơn thì sẽ quay lại. Cơ hội có thể có trong thị trường này nhưng nguy cơ mất tiền cũng hiện hữu.
Tất nhiên, thị trường có tăng, có giảm, đầu tư cũng có lúc thắng, lúc thua. Nhưng dù gì đi nữa, "sân chơi" phải rõ ràng, việc điều hành không giật cục. Chứ từ cách điều hành đến việc ứng xử của người quản lý một số cơ quan với phát ngôn mang tính "ăn thua", phản cảm như vừa qua khiến nhà đầu tư chúng tôi dần mất đi niềm tin.