Gốc cây huyền sử ngàn năm giá tiền tỷ của đất Việt
Ở Việt Nam, có những gốc cây đã được trả giá siêu khủng. Nhiều gốc cây, khúc gỗ tưởng chừng như đã mục nát dưới sông suối bỗng dưng trở thành báu vật khi được phát hiện.
Gắn với nó là bao nhiêu câu chuyện ngàn năm huyền thoại khiến cho ai cũng muốn được một lần chiêm ngưỡng.
Gốc bàng 700 tuổi được trả giá 2 tỷ đồng
Một gốc bàng đá khô 700 tuổi ở Sóc Trăng đã được thương lái trả giá 2 tỷ đồng nhưng chủ nhân của nó vẫn kiên quyết không bán.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Chủ nhân của gốc bàng “đực” này là ông Mai Kiên (64 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Ông Kiên chia sẻ trước khi cây bàng “đực” bị chết thì cây là chiều cao khoảng 40m, chu vi cây trên 10m, riêng bộ rễ cũng trên 18m. Sau khi cắt ngọn, thân cây khô còn lại 17m, chu vi trung bình 8m. Điều lạ là bộ rễ khổng lồ có sẵn những khối cây tự nhiên mang hình thù rất lạ lùng mang dáng dấp sơ thảo những linh vật như: cọp, rùa, rắn…. các biểu tượng về đức Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm…
Cách đây 2 năm, cây này bị chết khô do bơm cát khi thi công một công trình giao thông. Sau đó, ông Kiên đã mua lại gốc cây “đực” này với giá 35 triệu đồng với mục đích điêu khắc trên rễ cây. Được biết, ở xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng vẫn còn một cây bàng “cái” có tuổi thọ tương đương. Hiện cây bàng này vẫn xanh tốt và đang được chăm sóc bảo vệ.
Gốc sưa giá khủng dưới ngầm đá ở Quảng Bình
Gốc gỗ sưa này có chiều dài thân 1,65m, rộng 1m bị mắc kẹt tại khu vực ngầm Bến Tróoc được hai cha con ông Nguyễn Văn Thời và Nguyễn Quang Huy (trú tại xã Phúc Trạch) đi đánh cá phát hiện vào ngày 23/2. Sau 2 ngày, lực lượng chức năng địa phương đã trục vớt được gốc sưa trên.
Các cơ quan chức năng kết luận gốc sưa này thuộc loại sưa mộc vàng (gỗ nhóm 1) và có trọng lượng là 2.140kg. Tính theo giá thị trường hiện tại dao động từ 12 - 15 triệu đồng/kg, gốc sưa khủng này trị giá khoảng 17 tỷ đồng. Đây cũng là gốc sưa lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay tại Quảng Bình.
Gốc trâm “độc nhất vô nhị” ở Lâm Đồng
Chủ sở hữu gốc cây khô này là anh Nguyễn Phi Hùng (ngụ tạixã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm). Gốc cây cổ thụ “hoá lũa” này dài hơn 4m, cao gần 2,5m, rộng khoảng 1,2m.
Anh Hùng cho biết, năm 2002, khi anh đang thuê máy xúc đào ao trong vườn cà phê để lấy nước tưới và kết hợp thả cá thì vướng phải gốc cây nàynhưng rất khó để đưa được lên. Sau đó, anh vứt “chổng chơ” trong vườn hơn 8 năm trời. Đầu năm 2012, sau một thời gian để “lộ thiên”, anh mới phát hiện ra vẻ độc đáo nên đưa về chưng chơi”. Theo anh Hùng, gốc cây này đã có nhiều người trả đến giá trên 700 triệu đồng, nhưng anh vẫn không bán.
Gốc trắc “khủng” 2 tỷ đồng
Anh Trần Xuân Cường (27 tuổi, trú phường Hội Phú, TP.Pleiku, Gia Lai), một người đam mê hàng mỹ nghệ đang là chủ nhân của gốc trắc với đường kính trên 2m; trọng lượng 2 tấn (theo kiểm lâm); chiều cao 1,5m.
Gốc trắc “khủng” này có giá ít nhất là 2 tỉ đồng, bởi từng có một doanh nhân ở TP.HCM trả giá ngần ấy tiền để mua, song chủ nhân của nó không bán.
Gốc lũa được trả giá 2,2 tỷ đồng
Ông Nguyễn Công Đức (Lương Sơn, Hòa Bình) có bộ lũa gù hương lớn nhất, quý nhất Việt Nam mà "thèm". Theo giới sành gỗ, ở Việt Nam, không thể có gốc cây nào có tuổi kinh khủng và đẹp nguyên vẹn như gốc cây của ông Đức.
Gốc cây này có đường kính tới 7m, có tuổi thọ khoảng 3.000-4.000 năm, làm lũa cực đẹp, lại không bị thủng ở giữa gốc. Có người trả giá 130 ngàn USD, tương đương với khoảng 2,2 tỷ đồng cho cái gốc cây này song ông Đức vẫn từ chối.
Gốc đa có bộ rễ "khủng" giá bạc tỷ ở Tây Ninh
Cây đa có bộ rễ độc đáo này thuộc sở hữu của anh Lê Huy Giáp (trú tại ấp Tân Thanh, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh). Sau 17 năm được chăm sóc chu đáo, bộ rễ của cây đa đã thành hình, rũ xuống, đan xen nhau tạo thành một mái vòm, đẹp mê hồn.
Theo anh Giáp, hiện cây đa cao khoảng 20m, đường kính bộ rễ rộng 5m, chiều cao bên trong khoảng 2,6m. Trưa nóng có thể mắc 2-3 cái võng bên trong để nghỉ ngơi. Dù có người trả giá lên đến 1,7 tỉ đồng cho cây đa có bộ rễ khủng, độc nhất vô nhị, nhưng gia đình anh Giáp nhất quyết không bán
Gốc cây hóa thạch hàng ngàn năm tuổi
Năm 2012, ông Lê Văn Bảy (thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) tình cờ phát hiện một gốc cây hóa thạch trong một lần đào cát dưới sông. Gốc cây gỗ hóa thạch này có chiều cao 51cm, đường kính chỗ lớn nhất lên tới 67cm, nơi nhỏ nhất là 52cm, có khối lượng nặng xấp xỉ 200kg.
Theo những người chơi đá cảnh, để một gốc cây hóa thạch ít nhất cũng vài ngàn năm. Đây rất có thể là một gốc cây hóa thạch quý gắn liền với niên đại lịch sử hàng ngàn năm tuổi.
Theo Hạnh Nguyên (Tổng hợp)