Giới triệu phú dùng tiền làm gì trong năm 2016?

(Dân trí) - Một khảo sát gần đây cho thấy, đa số triệu phú trên thế giới coi việc tiết kiệm nhiều hơn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch tài chính cho năm mới 2016.

Trang CNBC đưa tin, công ty tài chính quốc tế deVere Group đã tiến hành khảo sát trên 655 khách hàng là triệu phú ở độ tuổi từ 25 đến 70. Cuộc khảo sát được tiến hành trong 2 tháng trong năm 2015 đối với giới triệu phú đến từ Mỹ, Anh, Nam Phi, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển, Qatar và Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.


Đa phần triệu phú dành nhiều tiền hơn cho quỹ nghỉ hưu trong năm 2016 (Ảnh minh họa)

Đa phần triệu phú dành nhiều tiền hơn cho quỹ nghỉ hưu trong năm 2016 (Ảnh minh họa)

Kết quả khảo sát cho thấy có tới 41% triệu phú coi việc tiết kiệm để nghỉ hưu là mối quan tâm hàng đầu của họ trong năm 2016, và 23% triệu phú có kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn để dành cho những người thân yêu.

Chỉ có 27% triệu phú được hỏi cho biết họ sẽ đánh giá lại danh mục đầu tư của họ thường xuyên hơn trong năm 2016.

Điều này có vẻ như mối quan tâm của giới triệu phú cũng giống như những người có thu nhập bình thường khác. Suy cho cùng, trở thành triệu phú ngày nay không còn giống như triệu phú trước kia.

“Ngày xưa, một người trở thành triệu phú là một cái gì đó rất danh giá và cao sang. Nhưng giờ đây, vị thế của triệu phú không còn được như trước nữa. Người ta phải cố gắng để làm tăng quỹ nghỉ hưu càng nhiều càng tốt vì rất nhiều lý do,” Benjamin Alderson, giám đốc khu vực cấp cao của deVere ở Mỹ nói.

Theo Alderson, lý do khiến giới triệu phú phải cố công vun đắp cho quỹ nghỉ hưu của họ bất chấp số tài sản họ đang sở hữu là bao nhiêu, bởi tuổi thọ của con người ngày càng cao hơn. Theo Cơ quan An sinh Xã hội của Mỹ, bình quân, một cụ ông 65 tuổi có thể sống tới 84 tuổi và một cụ bà 65 tuổi có thể hưởng thọ tới 86 tuổi.

Đặc biệt, 1/4 trong số những người 65 tuổi có thể sống tới 90 tuổi, và cứ 10 cụ thì có 1 cụ hưởng thọ trên 95.

“Tuổi thọ của con người tiếp tục tăng lên theo từng năm, do vậy, người ta phải hạch toán cho thời gian kỷ hưu lâu hơn. Đây quả là một mối lo ngại lớn của nhiều người,” Alderson nhận định.

Ngoài yếu tố tuổi thọ cao hơn, những tiến bộ về công nghệ y học và chăm sóc sức khỏe cũng làm thay đổi quan niệm về cuộc sống khi nghỉ hưu. Trong khi những người nghỉ hưu truyền thống thường có cuộc sống khá an nhàn và chẳng phải làm gì cả, thì nhiều người nghỉ hưu ngày nay và trong tương lai vẫn còn rất nhiều dự đinh để thực hiện.

“Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã ở tuổi 70 nhưng họ vẫn rất khỏe, và họ muốn có cuộc sống năng động, đi du lịch và làm rất nhiều điều. Nhiều người 70 tuổi mà chẳng khác nào như mới chớm 50,” Alderson nói.

Ở một góc độ khác, ngày càng nhiều người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe lâu dài với chi phí đắt đỏ. Ở Mỹ, chi phí trung bình cho một phòng riêng tại trại dưỡng lão là 91.250 USD (hơn 2 tỷ đồng/năm, và theo dự báo, chi phí này sẽ tăng 4% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, theo khảo sát chi phí dịch vụ chăm sóc năm 2015 của Genworth.

Nhiều người khỏe mạnh cũng dự trù một khoản chi phí rất lớn cho chăm sóc sức khỏe khi về hưu.

Chính những áp lực tài chính này khiến nhiều người, ngay cả giới triệu phú cũng phải tính đến việc tiết kiệm nhiều hơn cho thời kỳ nghỉ hưu.

Thảo Nguyên

 

Giới triệu phú dùng tiền làm gì trong năm 2016? - 2