Giới tài chính phố Wall “hành quân” vào Việt Nam
Sau nhiều năm làm việc theo kiểu cung cấp dịch vụ tài chính theo từng gói thầu, các ngân hàng Mỹ và châu Âu đang mở rộng các hoạt động của họ tại Việt Nam, một trong những thị trường mới nổi trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh hơn và tốt hơn.
Phố Wall đang “hành quân” vào Việt Nam
Trước đây, chỉ có các nhà đầu tư nhỏ tham gia vào thị trường chứng khoán mới được 6 năm tuổi của Việt Nam. Còn hiện nay, các công ty tài chính phố Wall đã tiến đến TPHCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam.
Ngân hàng đầu tư Mỹ Merrill Lynch nhận được một “mã số giao dịch” hồi tuần trước. Citigroup đã có mã số giao dịch từ năm ngoái và hiện đang tiếp thị chứng khoán của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với Citigroup, JPMorgan cũng đang nhảy vào thị trường này.
Rõ ràng, các ngân hàng Mỹ và châu Âu đang mở rộng các hoạt động của họ tại Việt Nam, một trong những thị trường mới nổi trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh hơn và tốt hơn.
Điều này có vẻ như rất khôi hài. Giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam tuy đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay nhưng mới chỉ đạt 2,7 tỉ USD, chỉ tương đương gần 4% giá trị thị trường của ngân hàng Mỹ Merrill Lynch.
Doanh thu trung bình ngày chỉ đạt 5 triệu USD. Trong số 48 công ty niêm yết, hầu hết trước đây đều là doanh nghiệp nhà nước, thiếu tập trung vào khả năng sinh lợi
Tuy nhiên, các ngân hàng, các nhà đầu tư phố Wall đang đánh cuộc vào tiềm năng phát triển. Nhiều người ví von họ đang bước nhanh vào đây, ít nhất là để giữ chỗ trong một sân chơi đang hứa hẹn nhiều lợi nhuận cho họ.
Lý giải cho niềm tin đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể nhận thấy trên thị trường “chợ đen” nơi mà các giao dịch cao hơn gấp 5-7 lần so với thị trường chính thức. Khả năng thanh toán tại thị trường niêm yết cũng đang tăng, giúp cho thị trường này tăng 50% trong năm nay.
Những lo ngại của nhà đầu tư ngoại
Lý giải cho việc đã tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán VN nhưng vẫn chưa huy động hết khả năng về tài chính và năng lực của mình để thi thố trên sàn, nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng họ vẫn có một số lo ngại với thị trường này.
Trên sàn giao dịch TPHCM. |
Theo họ, kịch bản phát triển thị trường chứng khoán VN có những rủi ro khá rõ. Trước hết, tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra rất chậm. Tiếp đến, điều kiện kinh tế hiện nay tuy cho phép đạt được mục tiêu tăng trưởng hơn 7% mỗi năm, nhưng nhiều nhà đầu tư cho rằng vẫn lo rằng tốc độ ấy có thể sẽ chững lại.
Nhiều nhà đầu tư ngoại nhất trí rằng Việt Nam cần thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng dù sao vẫn chưa được đảm bảo sẽ trở thành thành viên của WTO. Điều này sẽ chỉ có thể thay đổi sau khi VN chính thức gia nhập tổ chức này.
Một lo ngại nữa của các nhà đầu tư ngoại là trên thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ của VN, không phải mọi thứ đều tăng, ví dụ, số lượng xe hơi bán ra trong nửa đầu năm nay đã sụt giảm.
Lo ngại là vậy, nhưng thực tế là hầu như không có các nhà đầu tư ngoại nào vội vã bỏ đi.
Giới tài chính nước ngoài sẽ nhắm vào những mảng còn thiếu và yếu của Việt Nam
Theo nhận định của nhà kinh tế học hàng đầu của Đức, Giáo sư Norbert Walter của Ngân hàng Deutsche Bank, đích ngắm của các tổ chức tài chính-ngân hàng nước ngoài là những lĩnh vực mà các tổ chức trong nước còn yếu và thiếu.
Chẳng hạn, các tổ chức tài chính-ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về những dịch vụ, sản phẩm dành cho tầng lớp giàu có. Hay như quỹ hưu trí là quỹ rất được các ngân hàng nước ngoài quan tâm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài có thể sẽ đóng vai trò trung gian để kết nối những quỹ đầu tư với các chủ dự án, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho cả hai phía.
Theo Giáo sư Norbert Walter, chỉ có những ngân hàng có kinh nghiệm, uy tín và tiềm lực tài chính cực mạnh mới làm được những điều như vậy.
Theo Nhật Vy
VietNamnet