Giới siêu giàu Việt Nam sẽ tăng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới?

Nhật Linh

(Dân trí) - Một báo cáo vừa được công bố có nội dung dự báo Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới về số lượng người siêu giàu trong thập kỷ tới.

Cụ thể, theo báo cáo Centi-Millionaire vừa được Công ty tư vấn đầu tư Henley & Partners (có trụ sở tại London, Anh) công bố mới đây, Việt Nam được dự báo là thị trường phát triển nhanh nhất thế giới về số lượng triệu phú centi-millionaire (sở hữu 100 triệu USD) trong thập kỷ tới.

Với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc 95%, số lượng người siêu giàu ở Việt Nam - trung tâm sản xuất mới nổi của châu Á - được dự báo phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản, công nghệ và dịch vụ tài chính.

Trước đó, Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank cũng có nội dung là số người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) tại Việt Nam trong năm 2021 là 1.234 người và số triệu phú USD là 72.135 người. Dự báo, đến năm 2026, số người siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm, đạt 1.551 người và số triệu phú đến năm 2026 dự kiến là 114.807 người.

Tiếp theo là Ấn Độ với tỷ lệ tăng trưởng dự báo 80% về số cá nhân sở hữu khối tài sản trị giá trên 100 triệu USD vào năm 2023.

Giới siêu giàu Việt Nam sẽ tăng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới? - 1

Với 25.490 triệu phú sở hữu tài sản từ 100 triệu USD, tầng lớp siêu giàu mới này đang ngày càng lớn mạnh, tăng gấp đôi về số lượng trong 20 năm qua (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Theo báo cáo, Mỹ có số lượng triệu phú centi-millionaire lớn nhất, với 9.730 người, chiếm 38% tổng số triệu phú centi-millionaire toàn cầu. Tiếp đó là Trung Quốc với 2.021 người, Ấn Độ 1.132 người. Anh đứng thứ 4 với 968 người, Đức xếp thứ 5 với 966 người.

Dù có quy mô dân số ít, song Thụy Sĩ cũng đứng vị trí thứ 6 với 808 triệu phú sở hữu tài sản từ 100 triệu trở lên. Tiếp đó là Nhật Bản (765 người), Canada (541 người), Australia (463 người) và Nga đứng thứ 10 với 435 người.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng, sự tập trung của cải sẽ di chuyển về phía đông. "Ở mức tăng trưởng 57%, tốc độ phát triển số lượng triệu phú 100 triệu USD ở châu Á sẽ gấp đôi châu Âu và Mỹ trong thập kỷ tới, trong đó, tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ", nhà báo tài chính Misha Glenny, tác giả và người đóng góp cho báo cáo, cho biết.

Báo cáo Centi-Millionaire - dựa trên dữ liệu và thông tin chi tiết độc quyền từ công ty tình báo tài chính toàn cầu New World Wealth - là nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về 25.490 triệu phú sở hữu 100 triệu USD trên thế giới, tiết lộ về cuộc sống, sinh kế của giới siêu giàu, những điểm đến mà họ gọi là nhà, thói quen chi tiêu cũng như chiến lược quản lý tài sản của họ.

Với 25.490 triệu phú sở hữu tài sản từ 100 triệu USD, tầng lớp siêu giàu mới này đang ngày càng lớn mạnh, tăng gấp đôi về số lượng trong 20 năm qua. Họ là những nhà tài chính siêu giàu, các CEO đa quốc gia cho đến những người mới nổi nhờ bán bớt doanh nghiệp hay những người thừa kế tài sản.

Tuy nhiên, quan điểm về siêu giàu ngày nay đã có nhiều thay đổi. Nếu như những năm cuối thập kỷ 1990, 30 triệu USD được coi là siêu giàu, thì hiện nay 100 triệu USD mới được coi là siêu giàu.

Ông Juerg Steffen - CEO của Henley & Partners, lý giải: "Triệu phú centi-millionaire là những người giàu đến mức không cần phải suy nghĩ về số tiền mà họ tiêu. Trên thực tế, mức độ giàu có mà họ đạt được khiến họ không bao giờ phải lo lắng về tiền".