Giới đính đá bùng nổ trong mùa dịch, ngồi một chỗ vẫn kiếm ra tiền

An Chi

(Dân trí) - Nhờ công việc đính đá lên sản phẩm, đồ chơi, tranh vẽ mà nhiều người có thể kiếm được 3 - 4 triệu đồng/tháng với nghề tay ngang.

Trong những ngày giãn cách xã hội, nhiều người có thời gian rảnh hơn. Do đó, mọi người đã tìm đến các công việc bán thời gian như là thêu tranh, đính đá.

Tùy vào kích thước, độ khó của sản phẩm mà người làm sẽ nhận được từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/sản phẩm. Nếu ai làm nhanh, khéo tay, không bị lỗi, mỗi tháng có thể làm ra 10 - 15 sản phẩm, thu về cả triệu đồng tiền công.

Dạo một vòng trên các hội nhóm, diễn đàn đính đá, hầu như ngày nào cũng có bài đăng tuyển người, tuyển thợ. Thông thường, phía bên thuê sẽ cung cấp tất cả các nguyên vật liệu từ đá, kìm, keo dán. Người làm sẽ phải đặt cọc tiền hoặc không, giá trị đặt cọc phần lớn sẽ dựa trên giá trị  của sản phẩm.

Giới đính đá bùng nổ trong mùa dịch, ngồi một chỗ vẫn kiếm ra tiền - 1

Nhiều người chọn làm thêm công việc đính đá ở nhà để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch Covid-19.

Chị Linh Nga (Hà Nội) cho biết, nhà chị chuyên làm tranh đính đá nên nhu cầu tìm thợ, tìm người là rất lớn. Mỗi tuần một lần, chị đều vào các nhóm tuyển quân, chị sẽ đưa ra điều kiện cụ thể. Nếu ai đồng ý, chị sẽ yêu cầu chuyển khoản đặt cọc rồi mới gửi hàng. Sau khi sản phẩm hoàn thành xong, chị sẽ nghiệm thu và trả tiền công cho thợ.

"Ngày trước, tôi thường yêu cầu thợ đến tận cửa hàng nhận tranh, đặt cọc nhưng từ khi thành phố thực hiện giãn cách thì tôi gửi hàng qua bưu điện. Để chắc ăn, tôi đều xác thực rõ người nhận qua các thông tin, nếu yên tâm mới chuyển hàng", chị nói.

Giới đính đá bùng nổ trong mùa dịch, ngồi một chỗ vẫn kiếm ra tiền - 2

Những tiêu chuẩn khi đính đá lên tranh.

Chị Nga tiết lộ, tùy thuộc vào kích thước, độ khó của sản phẩm thì số tiền công sẽ khác nhau. Chi tiết càng bé, đính đá khó thì tiền công sẽ càng cao. Trong quá trình đính, nếu thợ làm hỏng hay đính sai đều sẽ bị trừ tiền công theo quy định.

"Đây là luật bất thành văn rồi, họ đính sai thì chúng tôi không thể bán được hàng  hoặc phải bán với giá thấp hơn dự kiến. Nên ngay từ đầu, tôi đều nói với thợ, nếu làm không chỉn chu, tiền phạt sẽ ngang tiền công nên họ làm cẩn thận lắm, thi thoảng mới có lỗi sai, cái này thì không tránh khỏi", chị bày tỏ.

Theo chị Nga, nếu người khéo tay, chăm chỉ, mỗi tháng có thể đính được 10 - 12 sản phẩm, thu về 3 - 4 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có người còn kiếm được 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Giới đính đá bùng nổ trong mùa dịch, ngồi một chỗ vẫn kiếm ra tiền - 3

Để hoàn thành một tác phẩm đính đá, người thợ phải mất 3 - 7 ngày.

Đăng bài tìm người trong hội đính đá, chị Phương Oanh ghi: "Tuyển thợ làm tranh đính đá, yêu cầu độ giống 80%, không cần cọc, ai quan tâm inbox. Ưu tiên các bạn khu vực Hà Nội".

Chị Oanh cho biết, nhà chị đa phần làm tranh phong cảnh nên khá dễ đính, chỉ cần ai chăm chỉ, ham học là có thể vào việc ngay. Một tuần đính nhanh có thể hoàn thành xong 2 bức tranh cỡ  100 x 50 cm với công 400.000 - 500.000 đồng. Tranh, đá, keo dán sẽ được chị cung cấp đầy đủ, khách nhận đồ về, chỉ việc làm và chốt ngày giao hàng.

"Với các bạn lần đầu làm tranh đính đá, tôi sẽ gửi video hướng dẫn cách xử lý đá để gắn làm sao cho chặt, không bị lộ. Trong quá trình làm, có vấn đề gì, mọi người cũng có thể liên hệ với tôi", chị kể.

Chị Oanh cho hay, thợ nhà chị đa phần là các mẹ bỉm sữa, gần đây thì có cô giáo mầm non tham gia. Mỗi tháng, nhờ nghề tay ngang mà mỗi người cũng kiếm được 5 - 6 triệu đồng.

Giới đính đá bùng nổ trong mùa dịch, ngồi một chỗ vẫn kiếm ra tiền - 4

Các hội nhóm, diễn đàn đính đá sôi động trong mùa dịch Covid-19.

Chị Vũ Thu Phương, nhân viên văn phòng ở Duy Tân (Hà Nội) cho biết, chị từng tham gia đính đá, thêu tranh khi mới sinh em bé. Tuy nhiên, công việc này không màu hồng như mọi người tưởng tượng, bởi người thợ chỉ cần sai sót vài chỗ đã bị trừ tiền. Nếu gặp phải người thuê tốt không sao, còn gặp phải người thuê không có tâm là mất cả chì lẫn chài.

"Hồi đó, tôi và một người bạn cùng tham gia đính đá, thêu tranh. Tôi may gặp được người chủ tốt, những lỗi nhỏ, chỉ bị trừ tiền và yêu cầu sửa lại. Còn bạn tôi, khi làm xong thì người chủ chê hết lỗi này lỗi kia và không nhận sản phẩm. Đồng nghĩa với việc, bạn tôi mất cả tiền cọc và công sức làm ra. Cuối cùng, bạn tôi đành ngậm ngùi mang tranh về treo, tự dùng", chị nói.

Theo kinh nghiệm của chị Phương, trước khi tham gia, nhận làm bất cứ việc gì, mọi người nên hỏi, đàm phán cẩn thận. Tránh trường hợp, đến khi nhiệm vụ hoàn thành, 2 bên không thống nhất được về tiền công, giá thành sản phẩm.