Giới đầu tư toàn cầu thích vàng, "sợ" thị trường Trung Quốc
(Dân trí) - Các nhà đầu tư trên thế giới đang mất niềm tin vào thị trường Trung Quốc, trong khi tin rằng vàng sẽ là một trong những tài sản sinh lợi tốt nhất trong thời gian tới.
Ảnh: Getty Images
Đây là kết quả một cuộc thăm dò ý kiến giới đầu tư toàn cầu do hãng tin tài chính Bloomberg tiến hành được công bố sáng nay (7/9). Cuộc thăm dò cho thấy, Trung Quốc - nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - không còn sức hút lớn đối với các nhà đầu tư như trước đây.
Khoảng 1/4 trong số người được hỏi cho rằng, thị trường Trung Quốc sẽ là một trong những thị trường có khả năng sinh lời kém nhất trong vòng 1 năm tới. Đây là tỷ lệ đánh giá tiêu cực cao nhất mà Trung Quốc nhận được trong cuộc thăm dò hàng quý của Bloomberg về quan điểm của các nhà đầu tư toàn cầu kể từ tháng 1/2010, và chỉ thua tỷ lệ đánh giá tiêu cực 45% mà giới đầu tư quốc tế dành cho thị trường châu Âu trong cuộc điều tra lần này.
“Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Nước này sẽ không tránh được việc nền kinh tế hạ cánh cứng”, ông Benjamin Dunn, một nhà quản lý quỹ của công ty Alpha Theory ở Mỹ, nhận xét.
Trái với đánh giá ảm đạm dành cho thị trường Trung Quốc và châu Âu, các nhà đầu tư đánh giá cao về thị trường Mỹ. Có 46% trong tổng số 847 nhà đầu tư, nhà phân tích và nhà giao dịch được Bloomberg thăm dò ý kiến lần này cho rằng thị trường Mỹ sẽ là một trong những thị trường đem lại mức lợi nhuận cao nhất trong 1 năm tới. Kết quả này tương tự như kết quả cuộc thăm dò mà Bloomberg công bố hồi tháng 5.
Gần 3/4 số người được hỏi dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hành động trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tuần tới để hỗ trợ tăng trưởng, có thể là mở rộng lời hứa duy trì lãi suất thấp, hoặc công bố một chương trình mua trái phiếu, hoặc cả hai.
Hàng hóa cơ bản nói chung và vàng nói riêng nhận được sự ưu ái của các nhà đầu tư trong cuộc thăm dò này. 18% số người được hỏi cho rằng, hàng hóa cơ bản sẽ là kênh đầu tư đem lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong 1 năm tới, so với tỷ lệ 13% trong tháng 5. Tuy nhiên, hàng hóa cơ bản vẫn “thua” chứng khoán khi có tới 1/3 người trả lời tin rằng, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất trong thời gian tới.
Vàng xếp ở vị trí thứ ba, với 16% người trả lời nhận định tài sản này dẫn đầu về khả năng sinh lời, so với tỷ lệ 11% nhà đầu tư chọn trong cuộc điều tra hồi tháng 5. Phần lớn người trả lời dự báo vàng sẽ tăng giá trong vòng 6 tháng tới, 1/3 cho biết có ý định tăng nắm giữ vàng.
Dầu thô cũng là đang là một tài sản hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, theo kết quả của cuộc điều tra. 1/5 số người trả lời cho biết có kế hoạch tăng nắm giữ dầu thô trong vòng 6 tháng tới, so với tỷ lệ 14% trong cuộc điều tra hồi tháng 5. Có 40% số người trả lời tin giá dầu sẽ tăng trong 6 tháng tới, cao gấp đôi tỷ lệ số người dự báo giá giảm.
“Chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ đẩy giá hàng hóa tăng cao hơn”, một nhà quản lý quỹ thuộc công ty SMC Global Securities ở Mumbai nhận định.
Trái lại, độ hứng thú của các nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán đang suy giảm. 37% số người trả lời cho biết họ có ý định tăng nắm giữ cổ phiếu trong vòng 6 tháng tới, giảm từ mức 40% trong cuộc điều tra trước, và là tỷ lệ trả lời “có” thấp nhất kể từ năm 2010.
Sự thận trọng này thể hiện rõ nét nhất ở thị trường châu Á. Chỉ có 1/3 số người trả lời dự báo chỉ số MSCI Asia Pacific của thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng điểm trong thời gian 6 tháng kể từ bây giờ, mức lạc quan thấp nhất trong vòng 2 năm.
Theo Bloomberg, sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc giảm là do tốc độ tăng trưởng suy giảm của nền kinh tế này. Trong quý 2 năm nay, GDP Trung Quốc chỉ tăng 7,6%, chậm nhất trong 3 năm.
Hơn 60% người trả lời cho rằng sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đang xấu đi, so với mức chưa đầy 1/3 số người trả lời có nhận định tương tự hồi tháng 5. Có tới 1/3 người trả lời cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng, so với tỷ lệ 23% trong cuộc điều tra tháng 5.
Các nhà đầu tư cũng có cái nhìn bi quan hơn về nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung. 22% cho rằng, kinh tế Mỹ đang xấu đi, so với tỷ lệ 18% trong cuộc điều tra trước. Một nửa cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang trở nên u ám hơn, so với mức 37% đưa ra nhận định tương tự trong cuộc điều tra trước.
Phương Anh
Theo Bloomberg
Theo Bloomberg