Giới đầu tư đắng lòng vì nghe lãnh đạo doanh nghiệp rót "mật ngọt" vào tai

(Dân trí) - Cổ phiếu vận động theo cung - cầu thị trường, tuy nhiên với nhiều nhà đầu tư, sự hứa hẹn của lãnh đạo doanh nghiệp vào giá cổ phiếu lại thường được coi như sự "bảo lãnh".

DXS với màn ra mắt "đáng quên"

Phiên chào sàn Hà Nội (HNX) của cổ phiếu DXS - Công ty Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services) trong tuần này trở thành một phiên ra mắt rất đáng quên đối với doanh nghiệp này.

"Cây nến đỏ" cắm xuống trên đồ thị kỹ thuật của DXS trở thành đề tài bàn tán xôn xao của giới đầu tư trên mạng xã hội.

Giới đầu tư đắng lòng vì nghe lãnh đạo doanh nghiệp rót mật ngọt vào tai - 1

DXS có sự khởi đầu không thuận lợi trong phiên giao dịch đầu tiên trên HNX ngày 15/7.

Trước đó, trong đợt IPO của DXS, toàn bộ gần 72 triệu cổ phiếu DXS đã được chào bán thành công với mức giá 32.000 đồng, còn lãnh đạo công ty còn khẳng định thương vụ niêm yết DXS là "bom tấn" với mức giá chào sàn dự kiến là 40.000 đồng (trên 40.000 đồng/cổ phiếu - PV).

Trên thực tế, DXS không phải mã duy nhất chào sàn bất lợi. Cổ phiếu MML của CTCP Masan MeatLife hồi tháng 12/2019 cũng chào sàn UPCoM với mức giảm 8,7% xuống 73.000 đồng trong 30 phút giao dịch đầu tiên trước khi đóng cửa với mức giảm hơn 12,2%.

Tuy nhiên, tại phiên vừa rồi, DXS bị cổ đông bán mạnh ngay từ đầu phiên đã nói lên sự thất vọng của nhà đầu tư với doanh nghiệp này. Việc bán cổ phiếu với giá thấp hơn giá tham chiếu cho thấy nhà đầu tư chấp nhận thua lỗ thay vì gắn bó với doanh nghiệp.

Giới đầu tư đắng lòng vì nghe lãnh đạo doanh nghiệp rót mật ngọt vào tai - 2

"Thương vụ bom tấn" DXS được kỳ vọng mức giá chào sàn HNX lên tới trên 40.000 đồng.

Trong bản cáo bạch của DXS cũng thể hiện Chủ tịch công ty là ông Lương Trí Thìn cùng 4 thành viên HĐQT khác không sở hữu cổ phiếu nào của công ty.  Giới đầu tư cho rằng, đây không khác gì một "pha lật kèo" của lãnh đạo DXS.

Sự thất hứa của lãnh đạo với nhà đầu tư như tại DXS không hiếm. Thị trường từng chứng kiến những lời hứa "đi vào lòng đất" của những lãnh đạo doanh nghiệp khác. Hoặc cũng có những sự hứa hẹn mà nhà đầu tư phải chờ đợi rất lâu mới được hiện thực hóa. Lại có một số lãnh đạo "nói một đằng, làm một nẻo" khi hứa mua vào cổ phiếu, rốt cuộc lại không thực hiện đúng như cam kết.

Đại gia Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu FLC, ROS

Vào giữa năm 2019, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết từng cam kết với cổ đông sẽ không bán cổ phiếu ROS nhằm bảo đảm quyền lợi cổ đông trong bối cảnh giá ROS liên tục suy giảm. Ông Quyết cũng khẳng định chưa có kế hoạch bán trong những năm sau đó.

"Tôi và các cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 80% vốn ROS và sẽ không bán ra ngoài, nếu có bán cũng chỉ chuyển sang tay cổ đông khác" - ông Quyết khẳng định.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2019, ông Quyết lại bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 67,34% xuống còn 55,01% trước khi đăng ký bán tiếp 21 triệu cổ phiếu ROS vào đầu tháng 12 cùng năm.

Sang năm 2020, ông Quyết từ nhiệm Chủ tịch FLC Faros vào ngày 7/4 và thực hiện tổng cộng 6 đợt thoái vốn trong vòng 2 tháng, giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 4,17%, từ bỏ quyền cổ đông lớn tại công ty này.

Cũng trong năm 2019, ông Trịnh Văn Quyết tuyên bố 2 mã cổ phiếu BAV của Bamboo Airways và FHH của FLC Homes sẽ đạt mức "3 con số" và đưa FLC về mệnh giá vào 2020. Vị này còn tuyên bố, "nếu không làm được việc đó, tôi sẽ xin phá sản và thương hiệu FLC coi như vứt đi".

Cho đến nay, BAV và FHH vẫn chưa niêm yết trên hai sàn HSX/HNX sau nhiều lần "on/off", nâng lên đặt xuống. Còn FLC phải tới năm 2021 mới chinh phục được mệnh giá như hứa hẹn của ông Trịnh Văn Quyết.

Giới đầu tư đắng lòng vì nghe lãnh đạo doanh nghiệp rót mật ngọt vào tai - 3

FLC mất nhiều thời gian để vượt ngưỡng 10.000 đồng (Đồ thị: Trading View).

Đại gia Đặng Thành Tâm và cổ phiếu ITA

Trước khi Chủ tịch HĐQT Tân Tạo là bà Đặng Thị Hoàng Yến tái xuất trong năm 2020 thì suốt nhiều năm, em trai bà - ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Khu đô thị Kinh Bắc - KBC) đã thay bà Yến điều hành các phiên họp ĐHĐCĐ của Tân Tạo.

Năm 2017, trong phiên họp ĐHĐCĐ của tập đoàn này, ông Đặng Thành Tâm với cương vị cố vấn cấp cao đã tuyên bố chắc nịch với cổ đông rằng "cổ phiếu ITA sẽ tăng về mệnh giá là mức thấp nhất". Vị đại gia còn nói thêm: "Sắp tới, tôi cũng sẽ mua vào cổ phiếu ITA với kỳ vọng giá cổ phiếu ngày càng tốt lên".

Sau đó, giá cổ phiếu ITA có cải thiện, song, cho đến thời điểm này, 4 năm đã trôi qua, ITA vẫn chưa thể chính thức chinh phục lại mức mệnh giá. Mức đỉnh của ITA thiết lập ngày 15/4 năm nay là 9.100 đồng nhưng đến nay đã lùi về 6.140 đồng tại phiên 16/7.

Giới đầu tư đắng lòng vì nghe lãnh đạo doanh nghiệp rót mật ngọt vào tai - 4

Cổ phiếu ITA từng suýt về mệnh giá nhưng nay đã giảm mạnh (Ảnh chụp màn hình - Trading View).

Việc lãnh đạo hứa hẹn về giá cổ phiếu xét về yếu tố quản trị là điều bình thường, bởi mọi lãnh đạo đều tự tin với triển vọng của công ty và nhà đầu tư nếu tin tưởng vào triển vọng đó sẽ cần trở thành nhà đầu tư dài hạn. Cổ phiếu vận động theo cung - cầu thị trường, có những trường hợp phải nhờ vào thiên thời địa lợi mới đạt được mục tiêu.

Lấy ví dụ như "họ" FLC, những mã này sau nhiều giao dịch với mức thị giá "bó rau, cọng hành" thì hiện đã bứt tốc, riêng FLC đã vượt mệnh. Hay cổ phiếu FIT, tại ĐHĐCĐ năm 2017 của công ty này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Tổng Giám đốc, từng khẳng định ít nhất FIT phải đạt 15.600 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó FIT lại rơi xuống dưới mức mệnh giá. Cho đến cuối năm 2020 và đầu năm nay, FIT đã vượt mệnh giá và có lúc đạt mức thị giá 21.750 đồng.

Tuy nhiên, sự cam kết về giá cổ phiếu của các lãnh đạo cũng có thể "lợi bất cập hại", sẽ khiến những vị lãnh đạo này và cả doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng về uy tín, nếu như cam kết không đạt được.