Gió lạnh đầu mùa, dân Hà Nội ùa đi mua quần áo rét
(Dân trí) - Quần áo thu đông đã bắt đầu bán từ cách đây gần 1 tháng. Nhưng phải vài ngày trở lại đây, khi thông tin không khí lạnh tràn về, không khí mua sắm mới thực sự trở nên sôi động.
Đi dọc các phố Đông Các, Chùa Bộc, Thái Hà,…vào giờ nghỉ trưa hôm nay rất dễ bắt gặp cảnh khách hàng chen chúc nhau mua sắm quần áo. Các cửa hàng cũng tranh thủ giảm giá đồ hè, đồ mùa đông năm ngoái để đẩy hàng đi xoay vòng vốn.
Vào một cửa hàng trên phố Chùa Bộc, khách hàng đa phần là các chị em phụ nữ đang đi ngắm nghía, chọn đồ. Chị Thu Dung (Hà Đông, Hà Nội) đang là nhân viên văn phòng tại Phạm Ngọc Thạch tranh thủ sau giờ ăn để đi mua cho mình một chiếc áo khoác nhẹ.
Phải mua gấp như vậy theo chị Dung là bởi: “Sáng đi làm tôi chủ quan vì nghĩ gió đầu mùa chắc chỉ mát mẻ nên chỉ khoác áo một chiếc áo mỏng. Nhưng đi nửa đường rồi nên vẫn phải đi cố tới cơ quan không muộn giờ làm.”
“Đến giờ nghỉ, ăn uống xong tôi phải cùng một vài chị em đi mua tạm một cái áo. Vì càng về chiều tối, trời sẽ càng lạnh hơn. Hơn nữa, quần áo đầu mùa cũng đang được giảm giá khá nhiều”, chị Dung cho biết thêm.
Nhu cầu của khách không chỉ hôm nay mới tăng đột biến, theo nhân viên bán hàng trên phố Đông Các: “Tuy chưa tính doanh số, nhưng lượng khách tăng ít nhất 3 lần so với những ngày thường. Nhất là sau khi có thông tin không khí lạnh tràn về.”
“Đồ thu đông cho khách đã bắt đầu bán từ cách đây gần 1 tháng. Tuy nhiên, thời điểm chưa lạnh thì khách mua hàng cũng chỉ lác đác”, người bán hàng cho biết thêm.
Cẩn thận với đồ giảm giá đầu mùa
Chuyên gia công quần áo các shop thương hiệu ở Hà Nội, anh M. (Long Biên, Hà Nội) hiểu rất rõ về đợt hàng đầu mùa này. Anh M. cho biết: “Quần áo giảm giá đầu mùa thường là hàng tồn từ mùa đông năm trước xả ra và dĩ nhiên rất rẻ, các hãng lớn cũng đều làm như vậy. Thế nhưng, một số nơi còn một loại hàng nữa là hàng sản xuất lỗi.”
“Ví dụ 1 cái áo gió, các hãng thời trang thường phải đặt hàng bắt đầu sản xuất từ tháng 3, với mục đích đón đầu và dẫn dắt thị trường theo xu hướng. Nhưng bên cạnh đó, các hãng cũng muốn xả đi vải tồn cho loạt hàng đầu mùa để thoát vốn”, anh M. chia sẻ.
Do là vải tồn, nên theo anh M.: “Những loại vải này thường là vải hỏng, giặt 1 - 2 lần sẽ rất xấu, nhàu, bạc màu,... Vải để lâu bị ẩm mốc nhưng vẫn được sản xuất theo mốt mới nên bán vẫn tốt. Bán kiểu này vừa nhanh đẩy được hàng đi, lại vừa có lãi.”
“Vì hàng thì đã có sẵn trong kho, ảnh đã chụp rồi, có bán rẻ thì trừ đi hết chi phí vẫn gấp 1,5 lần chi phí sản xuất. Nếu bán đúng mùa thì giá quần áo sẽ gấp 3 - 4 lần chi phí sản xuất. Hàng sơ mi gấp 2 - 2,5 lần chi phí sản xuất”, anh M. nói.
Vì thế, anh M. khuyên khách hàng nên mua quần áo rét sau khoảng 1 tháng nữa. Lúc đó sẽ có vải mới, nhiều mẫu mã, size cũng sẽ có đủ cho nhu cầu của khách hàng.
Thế Hưng