Giáo sư Võ Tòng Xuân: Nói 90% người Việt ăn gạo bẩn là không đúng

(Dân trí) - Trước tuyên bố của một doanh nhân nói 90% người Việt ăn gạo bẩn gây xôn xao, trao đổi với phóng viên Dân trí, GS, TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo Việt Nam cho rằng, nhận định trên không đúng.

Để có cái nhìn khách quan về hiện trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh và hàm lượng dư chất bảo quản, chất bảo vệ thực vật trong lúa gạo Việt, báo Dân trí xin trích đăng trả lời của GS Võ Tòng Xuân để bạn đọc hiểu rõ vấn đề hơn. 

Giáo sư Võ Tòng Xuân: Nói 90% người Việt ăn gạo bẩn là không đúng - 1

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo Việt Nam

Thưa ông, phát biểu về của ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An về việc 90% người Việt đang ăn gạo bẩn đã và đang gây sợ hãi cho người tiêu dùng và có khả năng ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt, ông nghĩ sao?

Giáo sư Võ Tòng Xuân: - Vấn đề ông Bình nói không phải là mới, gạo của chúng ta do người nông dân trồng có sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh và có hàm lượng tồn dư là có, không ai phủ nhận. Đối với ngành nông nghiệp, vấn đề tồn dư xảy ra cả với gạo, rau, trái cây. Tuy nhiên, không có ai làm nghiên cứu thật chính xác mà để có số liệu 90% như ông ấy nói, dù biết tỷ lệ rất cao. 

Trong hơn 30 năm qua, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy phân hữu cơ, phân sinh học cho các chất vi lượng nhiều hơn, bồi dưỡng đất tốt hơn, nhưng nông dân họ thích bón phân vô cơ (urê) cho cây, bởi họ thấy bón vào là cây xanh tốt hơn. 

Tuy nhiên, cái tốt này là trước mắt thôi, nhưng cái điều người dân không thấy tác hại lâu dài của phân urê là dẫn đến thoái hóa đất, nghèo dinh dưỡng. 

Việc sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu là tình cảnh không chỉ Việt Nam mà thế giới đã và đang phải giải quyết. Các nước khác họ đã tìm lý do để khắc phục bằng cách quay trở lại với phân hữu cơ, vi sinh hoặc sử dụng kết hợp.  

Với việc sử dụng tràn lan phân vô cơ, thuốc trừ sâu thì các chất cho cây trồng, đặc biệt vi sinh vật như con giun, trùn... cũng không còn nhiều, những nấm, vi khuẩn có ích cũng không còn. Điều này gây hại chính cho cây trồng chúng ta, sau đó đến người sử dụng. 

Người trồng lúa có thể có ý thức được việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu có hại cho cây trồng, sức khỏe của mình hoặc cộng đồng, nhưng họ không còn cách nào khác: không phun, không sử dụng, không được với thời tiết, với sâu hại? 

- Khi tiếp tục bón nhiều phân urê thì các chất vi lượng trong đất, sức đề kháng của cây yếu đi và khi sâu bệnh bùng phát thì lúa khó có thể chống lại được dịch bệnh. Chính điều đó khiến nông dân bắt buộc phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhiều người cho rằng nếu không dùng thuốc bảo vệ thực vật thì còn lại gì, lấy gì để bán. 

Biết là sử dụng phân vô cơ, thuốc trừ sâu như vậy nhưng nếu nói tất cả đều không an toàn, đến 90% là bẩn thì không đúng lắm. 

Có thời điểm lúa gạo của ta bị cấm xuất sang Mỹ bởi phía Mỹ liên tiếp trả về nhiều lần do có tồn dư một số chất cấm. Nói ra để nông dân thấm thía mặt trái của việc thâm canh, chú trọng vào số lượng mà bỏ quên chất lượng. 

Trước đây, khi chúng ta tăng sản lượng để chống đói, xuất khẩu lấy ngoại tệ. Nhưng nay đã khác rồi, chúng ta phải xuất lúa có chất lượng cao nhất, giá cao nhất và ngon nhất với mục tiêu: trồng lúa ít, nhưng giá cao, thu tiền nhiều, thay vì trồng nhiều, có lúa nhiều nhưng bán giá thấp. 

Để làm được, chúng ta phải tuyên truyền người dân các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trồng cây Organic, xanh, sạch... tiến tới xây dựng thương hiệu quốc gia về nông nghiệp. Muốn làm được, phải nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông và nhà xuất khẩu cùng tham gia vào.  

Thưa ông, một số phản biện cho rằng, phát ngôn trên thiếu căn cứ, gây mất thương hiệu gạo Việt Nam, nhất trong bối cảnh nước ta là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đối thủ cạnh tranh với Thái Lan? 

- Từ khi Việt Nam được tuyên bố gạo ngon nhất thế giới ST25, đáng lẽ ra các Bộ phải thừa thắng xông lên, đẩy mạnh trồng hoặc quảng bá gạo này để Việt kiều ở Mỹ, ở châu Âu hay nước ngoài biết đến và tìm mua. 

Tôi đi các nước, bà con Việt kiều nói mà xót lắm, họ bảo sao các ông không có gạo ngon cho chúng tôi, chúng tôi toàn ăn gạo của Thái Lan. Giờ chúng ta có loại gạo ngon, đặc sản mà nhà nông chịu chết không mở rộng để quảng bá ra thế giới được. 

Đi đường chính không được hiện một số nơi quảng bá là bán gạo ST25, song nhiều nơi nhập nhoạng thương hiệu này để kiếm lời. Bởi chính thức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa cho lưu hành giống. Bởi họ cho rằng quốc tế công nhận nhưng chưa có báo cáo về thích ứng đối với khí hậu Việt Nam, không cho phép phổ biến chính thức. 

Hiện trạng nông nghiệp Việt chuộng phân vô cơ, thuốc trừ sâu khiến cho một số loài, vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt. Hệ sinh thái mặt nước tại các kênh, mương máng (thủy lợi nội đồng) không còn cá, tôm như trước, điều này rất đáng lo ngại cho quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nhưng không giữ được sự hài hòa với tự nhiên, ông nghĩ sao về vấn đề này? 

- Suốt thời gian dài, Việt Nam giống như các nước khác, muốn đẩy mạnh sản lượng lên, nên mới sử dụng nhiều phân hóa học. Làm theo tự nhiên, ủ phân thì chậm hơn, song lại không có sâu bệnh nhiều nên họ không chọn. 

Bên Mỹ, Anh, Đức, trước kia họ áp dụng phân hóa học vào thì thấy đất khô cằn, cây trồng không có chất đề kháng và sử dụng nhiều thuốc trừ sâu sẽ khiến thiên địch chết đi và dịch bệnh bùng phát. Nên họ đã thay đổi rất nhanh, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi lối nghĩ số lượng "ăn" chất lượng nên gạo Việt khó đi vào các thị trường lớn được. 

Hiện nay, có nhiều cách, người  kết hợp phân bón sinh học với phân vô cơ, trong đó ưu tiên phân vi sinh để tái tạo đất, bồi bổ cây trồng. Đồng thời, người dân cũng tích cực sử dụng thuốc trừ sâu bệnh bằng sinh học. Dĩ nhiên, để làm được, phải lập hẳn khu, vùng cùng thực hiện hoặc sử dụng hệ thống trồng trong nhà kính, khu biệt với bên ngoài. 

Tôi thấy, trước đây trong chiến tranh, phía Bắc đâu có mấy phân hóa học vô cơ đâu, chủ yếu là phân vi sinh từ cây cỏ, sinh vật, chất thải động vật như trâu, bò, lợn gà và thậm chí cả phân ủ của người. Sử dụng phân hữu cơ, sinh học dù không phát triển nhanh cho cây trồng song giúp cây làm quen với thổ nhưỡng, tạo độ phì nhiêu đất đai và giúp nông nghiệp của chúng ta xanh, sạch hơn và ngon hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!