1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Giáo sư Trần Ngọc Phúc: "Tôi không thể bàng quan chờ đại dịch ở Việt Nam"

(Dân trí) - Giáo sư Trần Ngọc Phúc, nhà phát minh máy trợ thở thương hiệu Metran khẳng định ông không thể bàng quan ngồi đợi đại dịch tới Việt Nam và huy động tất cả năng lực sản xuất máy trợ thở đưa về Việt Nam.

Chia sẻ trên truyền hình Việt Nam tối 31/3, giáo sư Trần Ngọc Phúc, nhà phát minh máy trợ thở đã có chia sẻ về ý định kết hợp sản xuất để cung cấp về Việt Nam trước mắt hơn 2.000 máy trợ thở để phục vụ Hà Nội và TP. HCM chống dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp.

Giáo sư Trần Ngọc Phúc: Tôi không thể bàng quan chờ đại dịch ở Việt Nam - 1

Giáo sư Trần Ngọc Phúc mong muốn người dân từ trung ương đến các bản làng xa xôi được sử dụng máy trợ thở của ông

Theo thông tin, hiện chỉ vài công ty trên thế giới sản xuất được máy trợ thở và hiện rất nhiều nước đặt vấn đề. Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, ông muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam, muốn dành riêng điều tốt đẹp nhất cho Việt Nam.

Giáo sư Phúc nói: "Lý do tôi chọn máy này tại vì đơn giản, nên giá thành rất thấp, rất dễ sử dụng cho cả trẻ em và người già. Nó là máy rất an toàn, tôi nghĩ máy này rất hợp cho Covid-19 tại Việt Nam".

"Đại dịch hiện nay đang lan tràn trên thế giới, rất phức tạp. Việt Nam không phải là ngoại lệ, tôi không bàng quan ngồi nhìn đại dịch tới được. Tôi đã huy động tất cả năng lực của Metran để đối phó với chuyện này và tôi may mắn được nhiều nhà hảo tâm tại Việt Nam giúp tôi làm việc này", ông Phúc chia sẻ.

Theo Giáo sư Phúc: "Hiện nay chương trình của chúng tôi làm sao có 2.000 máy trong một tháng hoặc tháng rưỡi. Sau đó tôi nghĩ ở Việt Nam sẽ thiếu và có thể đến 15.000 máy".

Đặc biệt, Giáo sư Phúc khẳng định: "Tôi nghĩ từ trung ương đến những bản làng xa xôi cũng có thể được sử dụng máy này".

Theo thông tin những chiếc máy này sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam, được bán với giá rất thấp tại Việt Nam, gần như tặng cho Việt Nam.

Trước đó, trả lời qua email với phóng viên Dân Trí, Giáo sư kinh tế Trần Văn Thọ (tại Nhật Bản), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ông với giáo sư Trần Ngọc Phúc có kế hoạch chuyển giao công nghệ sản xuất máy trợ thở cho Việt Nam.

Trước mắt sẽ chuyển về Việt Nam hơn 2.000 máy trợ thở, cùng đó là kết hợp chuyển giao sản xuất các máy trợ thở này tại Việt Nam để phục vụ người dân Việt Nam và tiến tới xuất khẩu ra thế giới bởi rất nhiều thị trường đang cần.

Nguyễn Tuyền