Vụ ứ đọng hàng ngàn khối gỗ Lào:

Giao liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp xem xét giải quyết

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT căn cứ chức năng, quyền hạn được giao xem xét, giải quyết, trả lời Hiệp hội doanh nghiệp Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu gỗ có nguồn gốc từ Lào.

Theo nguồn tin của Dân trí, ngày 30/5, thừa ủy quyền của Phó thủ tướng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp Vũ Dũng đã ký văn bản gửi 2 Bộ Công Thương và NN&PTNT đề nghị 2 bộ này theo chức năng, quyền hạn được giao xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ Lào trong việc nhập khẩu, xuất khẩu theo nội dung trình bày của Hiệp hội doanh nghiệp Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Văn phòng Chính phủ giao hai bộ nói trên sau khi xem xét, giải quyết, phải có văn bản trả lời cho hiệp hội doanh nghiệp có đơn gửi tới Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ giao hai Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT xem xét, giải quyết các nội dung mà Hiệp hội DN Hương Khê nêu ra.
Văn phòng Chính phủ giao hai Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT xem xét, giải quyết các nội dung mà Hiệp hội DN Hương Khê nêu ra.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, do vướng Chỉ thị số 15/CT-TTg cấm xuất khẩu các mặt hàng gỗ chưa thành phẩm có nguồn gốc từ rừng tự nhiên của Thủ tướng Lào ban hành ngày 13/5/2016, các doanh nghiệp tại huyện Hương Khê đang đứng trước nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng do gỗ không thể đưa về nước.

Khó khăn càng thêm chồng chất khi hàng ngàn m3 gỗ có nguồn gốc từ Lào các doanh nghiệp ở đây không thể tiêu thụ do vướng giấy phép CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp ) vừa mới ban hành theo Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ NN&PTNT. Hiệp hội doanh nghiệp huyện Hương Khê phản ánh việc doanh nghiệp muốn xuất khẩu gỗ trắc, cẩm lai, hương phải vốn đã thành hàng hóa phải có chứng chỉ Cites, và phải ra tận Hà Nội để xin giấy phép này là bất hợp lý, vừa mất thời gian, vừa tốn kém, nẩy sinh tiêu cực, làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

Một trong số hàng chục kho gỗ Lào thành phẩm, được nhập về từ nhiều năm tại huyện Hương Khê hiện chưa thể tiêu thụ do vướng giấy phép CITES.
Một trong số hàng chục kho gỗ Lào thành phẩm, được nhập về từ nhiều năm tại huyện Hương Khê hiện chưa thể tiêu thụ do vướng giấy phép CITES.

Một ngày sau văn bản của Văn phòng Chính phủ được phát đi, ngày 1/6, Tổng cục lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có Công văn số 808/TCLN-CTVN do Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Bá Ngải ký đề cập đến một số nội dung liên quan đến Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT nói trên. Đáng chú ý, tại mục 3 của công văn này có nội dung: “TCLN thấy rằng, việc áp dụng các chính sách mới (Phụ lục CITES mới bổ sung, sửa đổi) sẽ có một số doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc áp dụng; TCLN đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, nắm bắt những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và Công ước CITES về giấy phép CITES”.

Giao liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp xem xét giải quyết - 3

Ngoài ra, TCLN cho biết: Đối với mẫu vật (gỗ) tiền Công ước (xuất, nhập trước ngày Ban Thư ký CITES ban hành Thông báo có hiệu lực) có hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc hợp pháp (loài Trắc, Cẩm lai, loài Giáng hương) sẽ được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam hướng dẫn, giải quyết theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP, ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Văn Dũng