1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giao dịch căn hộ, nhà phố giảm tới 90%

(Dân trí) - "Lượng giao dịch bất động sản (BĐS) là đất nền dự án, căn hộ, nhà phố ở Hà Nội đã giảm tới 85 - 90% so với thời điểm quý 4/2007" - báo cáo của 1 công ty BĐS đã nhận định như vậy.

Giá chung cư cao cấp giảm tới 60%

Theo Bộ Xây dựng, trong thời điểm đầu năm 2008, tại một số khu vực thuộc địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận, giá cả một số loại bất động sản (BĐS) như văn phòng cho thuê, căn hộ chung cư, đất xây dựng nhà ở riêng lẻ… tăng cao (tăng khoảng 50% so với năm 2006).

Nhưng từ tháng 3 đến nay, thị trường BĐS có chiều hướng giảm về giá và số lượng giao dịch. Có nơi, giá căn hộ chung cư cao cấp giảm 35 - 60%, giá đất nền nhà riêng lẻ, biệt thự giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, giao dịch nhà ở có giá trị dưới 1 tỷ đồng, các căn hộ diện tích nhỏ vẫn có nhiều khách giao dịch.

Công ty BĐS VietRees cho rằng: Khi thị trường còn “non trẻ”, đa số người mua là nhà đầu tư có tâm lý không ổn định và mang tính phong trào, nên các chính sách điều tiết của Nhà nước đã nhanh chóng tác động đến thị trường này.

Và thực tế cho thấy, chỉ ngay khi có thông tin về hạn chế cho vay BĐS, thị trường đã hạ nhiệt đáng kể trong Quý 2 vừa qua.

Công ty CBRE giải thích thêm, việc thắt chặt tín dụng đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các chủ đầu tư trong nước đang cần vay vốn để đầu tư xây dựng và những người có nhu cầu vay để mua nhà.

Nhiều chủ đầu tư thiếu kinh phí để triển khai dự án, nhiều dự án bị kéo dài tiến độ, bị đình hoãn dẫn đến nguy cơ thiếu hàng hóa cho thị trường trong dài hạn.

Về phía những người có nhu cầu mua nhà, khi thị trường chưa có dấu hiệu ổn định về giá cả thì rất nhiều người đã lựa chọn giải pháp “nghe ngóng và chờ đợi”. Đó cũng chính là lý do làm cho thị trường BĐS Hà Nội kém sôi động.

Mặt khác, lãi suất vay vốn cao theo tính toán đã làm tăng giá thành BĐS từ 5 - 10%, giá vật liệu đầu vào tăng 20 - 30% cũng làm tăng thêm sự mất cân đối cung cầu hàng hóa đặc biệt này trên thị trường.

Mặc dù vậy, nhưng theo VietRees thì đây là cơ hội lớn cho những công ty và tổ chức đầu tư BĐS có nguồn vốn lớn và không bị áp lực thanh khoản.

Thí điểm công bố chỉ số thị trường BĐS

Hậu quả từ việc thắt chặt tín dụng không chỉ có vậy. Thị trường đã xuất hiện xu hướng một số doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang các ngành và lĩnh vực khác nhằm duy trì hoạt động của công ty để vượt qua giai đoạn này.

Rõ ràng, việc chuyển đổi ngành nghề như vậy là do các doanh nghiệp cũng đã nhìn thấy thị trường BĐS hiện nay rất khó có thể hồi phục trong thời gian ngắn.

Đây cũng là nhận định của nhiều công ty kinh doanh BĐS. Sự mất cân đối về cung cầu sẽ tiếp tục khiến giá thuê văn phòng leo thang trong giá nhà đất lắng xuống…

Trước tình hình đó, vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc làm việc với các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… bàn về thực trạng và giải pháp phát triển thị trường BĐS, cải cách hành chính và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó, tập trung vào việc hoàn thiện Đề án Thị trường BĐS Việt Nam.

Tại cuộc họp này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, tập trung giải quyết những tồn tại, yếu kém của thị trường, đặc biệt là các giải pháp “tăng cung” hàng hóa thiết yếu như nhà ở đô thị, văn phòng, các công trình dịch vụ.

Các Bộ chức năng tiến hành rà soát, triển khai tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị, tháo gỡ trực tiếp tại dự án những vướng mắc về chính sách đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động trên thị trường BĐS.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng và sớm trình Chính phủ đồng thời Đề án phát triển thị trường BĐS và Đề án tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư.

Đặc biệt, đến quý 3/2008, tiến hành thí điểm việc công bố chỉ số thị trường BĐS (REMI) - một trong những tiêu chí khoa học, phản ánh xác thực về thị trường BĐS lần đầu tiên có ở Việt Nam.

Lan Hương