1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giảm thuế nhập khẩu xăng dầu: Ai được lợi?

Thuế nhập khẩu xăng dầu vừa được Bộ Tài chính bất ngờ giảm xuống đến phân nửa, từ 20% còn 10%. Liệu người tiêu dùng có được hưởng giá mua xăng dầu rẻ hơn từ việc giảm thuế này?

Xét cho cùng, giá bán lẻ xăng dầu ở nước ta hiện nay vẫn còn trong tình trạng “nửa nạc, nửa mỡ”, bởi nó là sự pha trộn giữa yếu tố thị trường và ý chí chủ quan của chúng ta. Trong đó, nó bao gồm lợi ích khác nhau của ba chủ thể: Nhà nước, người kinh doanh và người tiêu dùng. Nhưng trong tình thế hiện nay, dường như lợi ích của người tiêu dùng là yếu tố ít được coi trọng nhất.

“Úm ba la” giá xăng dầu?

Cho dù vẫn mua xăng dầu thường xuyên, nhưng có lẽ tuyệt đại bộ phận các “thượng đế” đều không hay biết giá xăng dầu mà mình “được mua” hoặc “phải mua” là như thế nào. Sở dĩ như vậy là vì hai lẽ.

Thứ nhất, kể từ năm 2004 trở lại đây, giá của mặt hàng này quả thực không khác gì “đèn cù”, bởi đã tăng tới 8 lần và xen lẫn 8 lần tăng này là 3 lần hạ. Thứ hai, điều còn quan trọng hơn nữa là, không nhiều người tiêu dùng biết được rằng cái giá mà họ trả có hợp lý hay không.

Giải thích về động thái giảm thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính, có ý kiến cho rằng, sau khi chịu các loại thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, chi phí vận chuyển, giá nhập khẩu xăng đã lên tới 9.600đ/lít, cộng với tất cả các loại chi phí và hao hụt khác thì các doanh nghiệp đã chịu lỗ khoảng 150đ/lít.

Hơn thế, lãnh đạo một doanh nghiệp còn phàn nàn rằng, giá dầu thế giới trong nửa đầu năm nay liên tục tăng, khiến họ có lúc đã phải “kêu cứu”, nhưng đến khi giá nhập khẩu vừa mới hạ chút ít, doanh nghiệp còn chưa hết lỗ thì Nhà nước đã kịp siết lại bằng cách tăng thuế. Cho nên giờ hạ thuế cũng chỉ là đỡ một phần khó khăn mà thôi!

Thế nhưng, ở thời điểm mà giá dầu thô thế giới đứng ở mức 67 USD/thùng, một chuyên gia lại tính rằng, nếu thuế nhập khẩu là 5%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thì giá mỗi thùng xăng cập cảng của Việt Nam cũng chỉ vào khoảng 8.600đ/lít. Cộng thêm các khoản lệ phí giao thông 500đ/lít, chi phí quản lý, bán hàng, khấu hao kho bãi…, thì giá bán lẻ cho người tiêu dùng cũng chỉ vào khoảng 10.000đ/lít.

Như vậy, tính từ thời điểm các nhà quản lý tăng giá bán lẻ từ 10.500đ/lít lên 12.000đ/lít, thì các doanh nghiệp đã lãi khoảng 2.000đ/lít.

Cuối cùng, vào thượng tuần tháng 10 vừa qua, khi giá dầu thô thế giới đứng ở mức dưới 60 USD/thùng và giá bán lẻ xăng Mogas 92 đã được quyết định giảm “nhỏ giọt” từ 11.000đ/lít xuống 10.500đ/lít, thì so với thời điểm tương tự (hạ tuần tháng 11 năm 2005, khi mà giá dầu thô thế giới đứng ở mức gần 59USD/thùng), giá bán lẻ này cũng vẫn cao hơn 1.000đ/lít.

Ngoài ra, xét cả quá trình tăng giảm giá xăng dầu trong ba năm qua, cũng còn một thời điểm mà giá dầu thô thế giới cùng đứng ở mức trên 63USD/thùng (17.8.2005 và 12.9.2006), nhưng giá bán lẻ xăng Mogas 92 vào thời điểm đó trong năm 2005 là 10.000đ/lít, còn hơn một năm sau thì được “treo” 11.000đ/lít.

Người tiêu dùng lép vế?

Tất cả những điều nói trên đủ thấy rằng, cho dù một quan chức cấp cao của cơ quan quản lý giá nhà nước vẫn khẳng định chắc nịch là “lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng là ngang nhau, và vì thế, việc bảo đảm cân bằng giữa những quyền lợi này luôn luôn được tính toán và duy trì”, nhưng người tiêu dùng vẫn bị lép vế trong quá trình điều chỉnh giá xăng dầu.

Bởi lẽ, cho dù được hưởng lợi khi giá dầu thô thế giới tăng mạnh, Nhà nước đã chọn giải pháp hạ thuế để trì hoãn và hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu, nhưng khi giá thế giới giảm, các cơ quan này lại đã cân đong quá kỹ, cho nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ giảm không tương ứng.

Và dù cho giảm thuế thì “túi” của ngân sách nhà nước cũng chẳng bị “vơi” do khoản thiệt này. Bởi lẽ, vừa qua đã có một tờ báo tiết lộ rằng, tại hội nghị ngành tài chính mới đây, một chuyên gia cho biết, thuế thu từ xuất nhập khẩu trong năm 2006 này dự kiến sẽ đạt 32,6 ngàn tỉ đồng, tăng 2.500 tỉ đồng so với năm 2005, mà một trong những nguyên nhân góp phần tăng trưởng là do tái áp thuế nhập khẩu xăng dầu vào những tháng cuối năm.

Hơn thế, ngân sách nhà nước trong năm 2006 cũng còn “bội thu” do xuất khẩu dầu thô dự kiến sẽ đạt gần 80 ngàn tỉ đồng, tăng 16.500 tỉ đồng (tăng hơn 26%) so với năm 2005, mà nguyên nhân chủ yếu là nhờ giá dầu thô thế giới sốt nóng.

Còn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có lỗ hay không, thì có lẽ các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải vào cuộc. Đông đảo người tiêu dùng chỉ được biết rằng, việc chen chân vào thị trường kinh doanh mặt hàng này trong những năm qua không phải là dễ dàng.

Mặt khác, các “thượng đế” vẫn bị xử tệ bằng các thủ đoạn ăn bớt khối lượng và gian lận về chủng loại món hàng không thể gắn nhãn được này.

Nói tóm lại, trong chừng mực thị trường xăng dầu vẫn chưa thực sự hình thành ở nước ta, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng vẫn là một vấn đề “nói dzậy mà hổng phải dzậy”!

Theo Nguyễn Đình Bích
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm