Giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay để hàng không vượt qua Covid-19
(Dân trí) - Đề xuất mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2020 là 2.100 đồng/lít (bằng 70% quy định hiện hành) để hỗ trợ ngành vận tải hàng không vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra.
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Theo tờ trình của Bộ Tài chính (cơ quan được giao soạn thảo), số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn 2015-2019 là 2.939 tỷ đồng/năm.
Từ tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan nhanh chóng ra các quốc gia trên thế giới, khiến ngành vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại rất nghiêm trọng. Báo cáo của Vietnam Airlines đến hết quý II/2020 cho thấy số chuyến bay toàn mạng giảm 32,7 nghìn chuyến bay (giảm 88,2% so với kế hoạch), khách vận chuyển giảm 5,67 triệu khách (giảm 89,3%). Quy mô sản lượng của Vietnam Airlines tháng 4/2020 còn khoảng 2% so với kế hoạch.
Các doanh nghiệp hàng không cũng phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Các chi phí cố định bao gồm chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí thường xuyên khác. Theo báo cáo của các hãng hàng không trong nước, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, Vietjet là 20 triệu USD. Ước tính chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỷ đồng, Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng, Bamboo Airway khoảng 1,24 tỷ đồng.
Dự kiến trong năm 2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm 49,3 nghìn tỷ đồng, mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17 nghìn tỷ đồng. Khoản lỗ lớn khiến Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động.
Do tác động của Covid-19, các doanh nghiệp hàng không đối với mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch,…
Vì thế, bên cạnh các giải pháp khác, Bộ Tài chính cho rằng việc sử dụng công cụ thuế (trong đó có việc miễn, giảm thuế) cũng là một biện pháp để Chính phủ hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, góp phần giúp ngành này duy trì được hoạt động kinh doanh. Một số nước trên thế giới cũng đã sử dụng công cụ thuế, trong đó có thuế đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trước dịch Covid-19 như Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Thái Lan.
Đề xuất giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường
Bộ Tài chính đề xuất quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực tới hết năm 2020 là 2.100 đồng/lít (bằng 70% theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Kể từ ngày 1/1/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018.
Dự thảo nghị quyết quy định “Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương theo dõi, giám sát để đảm bảo các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện việc tính giá nhiên liệu bay tương ứng với mức thuế bảo vệ môi trường theo quy định”.
Bộ Tài chính tính toán, việc giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường so với quy định tại Nghị quyết 579 sẽ làm số thu bảo vệ môi trường 5 tháng cuối năm 2020 giảm khoảng 72-80 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên việc giảm này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.
“Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, phát triển tương lai, từ đó sẽ góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ,…”- Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thế Kha