1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giảm thủ tục, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái sẽ tiết kiệm 5.000 tỷ đồng/năm

(Dân trí) - Thông quan hàng hóa ngay tại cầu cảng, nếu cần kiểm tra thì máy soi chỉ mất thời gian tối đa 2,5 giờ để làm việc. Sau đó, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng nhận được hàng. Việc cắt giảm “hàng loạt” chi phí sẽ giúp doanh nghiệp, xã hội có thể tiết kiệm khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.

Vì sao chọn cảng Cát Lái là nơi thí điểm cắt giảm thủ tục hải quan và chống ùn tắc hàng hóa?

Cục Hải quan TPHCM vừa cho biết, đơn vị này đã chính thức công bố đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái”.

Theo Cục Hải quan TPHCM, đối tượng được lựa chọn tham gia đề án là đại lý hải quan và 200 doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan. Các đại lý, doanh nghiệp này có tổng kim ngạch nhập khẩu 21,7 tỷ USD, chiếm 38,58% tổng kim ngạch nhập khẩu và đóng góp số thuế 54.760 tỷ đồng, chiếm 50,5 % tổng thu ngân sách Nhà nước của Cục Hải quan TPHCM.

Điểm nổi bật của đề án nói trên chính là hàng hóa được thông quan ngay tại cầu cảng.

Trong trường hợp phải kiểm tra, thời gian hoàn thành kiểm tra không xâm nhập qua máy soi là 2,5 giờ trước khi chuyển sang bãi riêng để doanh nghiệp chủ động nhận hàng qua hệ thống đăng ký giao hàng điện tử E-Port, tránh ùn tắc hàng tại cảng.

Doanh nghiệp sẽ rút ngắn được khoảng 70% thời gian làm thủ tục theo quy định tại Luật Hải quan.

Giảm thủ tục, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái sẽ tiết kiệm 5.000 tỷ đồng/năm - 1

Cảng Cát Lái, TPHCM sẽ là nơi thí điểm đề án "Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa". 

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, bên cạnh việc tiết kiệm thời gian trong hoạt động logistics thì khi triển khai đề án sẽ giảm các chi phí trong và sau hoạt động logistics.

“Các chi phí sẽ được kéo giảm đó chính là giảm chi phí lưu container, giảm chi phí đảo chuyển container, giảm chi phí phục vụ kiểm tra thủ công bốc xếp, giảm chi phí nâng hạ công, giảm chi phí chung toàn xã hội”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, doanh nghiệp sẽ tối ưu hóa kế hoạch sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ tối ưu hóa khả năng khai thác xe khi có hàng hóa liên tục để vận chuyển vì các lô hàng trong cảng đã được làm thủ tục hải quan 24/7.

Giảm thủ tục, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái sẽ tiết kiệm 5.000 tỷ đồng/năm - 2

Việc lưu thông hàng hóa nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm rất nhiều chi phí.

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM nhận định, việc hàng hóa lưu thông thuận lợi sẽ tiết kiệm chi phí xăng dầu, tăng 150% công suất vận chuyển và lưu thông hàng hóa. Bởi, việc lưu thông hàng hóa vào ban đêm không ảnh hưởng đến giao thông của các phương tiện khác trên đường, giảm ùn tắc giao thông ở khu vực cảng Cát Lái.

“Chúng tôi sẽ hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã  hội ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng/năm. Nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận”, ông Thắng chia sẻ.

Sở dĩ chọn cảng Cát Lái là nơi thí điểm thực hiện đề án là do cảng Cát Lát là nơi thông quan lượng hàng hóa rất lớn. Mỗi ngày, cảng Cát Lái thông quan bình quân khoảng hơn 14.000 TEU (1 TEU tương đương với 1 container 20 feet), tức mỗi năm thông quan khoảng 5 triệu TEU.

Việc thí điểm ở một cảng trung chuyển hàng hóa lớn như Cát Lái sẽ giúp các đơn vị liên quan nhanh chóng có những đánh giá, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình đổi mới thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại các cảng khác.

Giảm thủ tục, giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái sẽ tiết kiệm 5.000 tỷ đồng/năm - 3

Lễ công bố đề án "Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái" diễn ra ở Cục Hải quan TPHCM.

Theo Cục Hải quan TPHCM, đề án là bước đột phá mới thể hiện sự quyết tâm của tập thể Cục Hải quan thành phố. Cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải cách nhanh, hiện đại hóa mạnh, xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, trong tương lai, đề án sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp logistics. Điển hình như việc đề án giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các phương tiện vận chuyển của mình, thực hiện quy trình giao nhận nhanh, khả năng quay vòng phương tiện tốt hơn và sử dụng nhân lực hiệu quả hơn.

“Chúng tôi mong muốn đề án sẽ sớm được mở rộng sang các đối tượng khác, không chỉ những đơn vị có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn mà kể cả những doanh nghiệp có kim ngạch xuất nhập khẩu nhỏ cũng được hưởng những ưu đãi về thủ tục này. Đồng thời, sau khi thí điểm đề án tại cảng Cát Lái thì cũng nên nhân rộng mô hình sang các cảng khác trên cả nước nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế”, ông Khoa nhấn mạnh.

Đại Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm