Giảm phát của Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn đang trì trệ, nhưng chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi, khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới thoát khỏi tình trạng giảm phát trong tháng 8.

Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 8, thước đo lạm phát chính, đã tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 7, Trung Quốc đã lần đầu tiên rơi vào tình trạng giảm phát sau hơn 2 năm, với giá cả giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ quan thống kê cho biết giảm phát tại nhà máy đã hạ nhiệt trong tháng 8 do nhu cầu đối với một số sản phẩm công nghiệp được cải thiện và giá dầu thô quốc tế tăng.

Tình trạng lạm phát yếu kéo dài ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xảy ra khi Bắc Kinh tung ra một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu, vốn đã chững lại kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa vì Covid-19 vào năm ngoái.

Giảm phát của Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt - 1

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Trung Quốc phục hồi (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc đã trải qua thời kỳ giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, phần lớn là do giá thịt lợn - loại thịt được tiêu thụ rộng rãi nhất ở nước này - giảm mạnh.

Thị trường bất động sản của Trung Quốc, chiếm đến 25% GDP, vẫn đang trong tình trạng khó khăn khi các doanh nghiệp tư nhân lớn vẫn đang gặp khó khăn về thanh khoản và người mua không muốn tham gia vào thị trường.

Bất chấp sự phục hồi trong tháng 8, nhiều nhà phân tích cho rằng nguy cơ giảm phát vẫn có thể tái diễn trong những tháng tới. Động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc cũng bị đình trệ với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức kỷ lục hơn 20% trong tháng 6. Các nhà chức trách đã không công bố số liệu chính thức về tình trạng thất nghiệp của thanh niên vào tháng 8.

Đáng chú ý, xuất khẩu, vốn là động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc, cũng đang suy giảm. Theo số liệu thống kê chính thức, xuất khẩu trong tháng 8 của nước này đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là tháng giảm thứ 4 liên tiếp, do nhu cầu nước ngoài yếu tiếp tục yếu.

Theo Reuters, Financial Times