Giảm phát bất ngờ ở 2 thành phố lớn nhất nước

(Dân trí) - Trong khi CPI tại Hà Nội giảm 0,21% so tháng trước thì chỉ số giá ở TPHCM cũng giảm 0,29%. Với diễn biến giá đi xuống tại 2 trung tâm kinh tế lớn nhất nước, dự kiến mức lạm phát chung tháng này sẽ ở mức thấp, tạo điều kiện hạ lãi suất ngân hàng.

Sau Tết, nhóm thực phẩm giảm giá mạnh đã khiến chỉ số giá tiêu dùng xuống thấp.
Sau Tết, nhóm thực phẩm giảm giá mạnh đã khiến chỉ số giá tiêu dùng xuống thấp.

Cục Thống kê hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 03/2013. Điều đáng chú ý ở báo cáo tháng này đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hai địa phương này đều giảm so tháng trước.

Cụ thể, tại Thủ đô Hà Nội, CPI giảm 0,21% so với tháng trước và tăng 5,7% so cùng kỳ. Theo lý giải của Cục Thống kê Hà Nội, điều này là hợp với quy luật khi cứ thời điểm sau Tết Nguyên đán hàng năm, giá lương thực thực phẩm ổn định, dần quay lại mức giá như thời điểm trước Tết, khiến cho chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm (giảm 1,36% so tháng trước). Đây cũng là nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính giá.

Quí I năm nay, giá gạo trên thị trường khá ổn định kể cả thời điểm trước, trong và sau Tết. Nguyên nhân, do nguồn cung dồi dào và có sự chỉ đạo của thành phố về bình ổn giá. Giá các loại thịt gia cầm  như vịt, ngan giảm nhẹ, giá gia cẩm khác như gà ta, gà công nghiệp giảm mạnh. Giá các loại rau tại Hà Nội giảm mạnh do thời tiết thuận lợi, rau sinh trưởng tốt, nên nguồn cung dồi dào. Tháng này nhóm ăn uống ngoài gia đình đã ổn định hơn do lương thực và thực phẩm giữ giá. 

Các nhóm khác có chỉ số tăng nhưng mức tăng không đáng kể. Một số mặt hàng như quần áo, giầy dép giá đã ổn định hơn do đang trong giai đoạn chuyển mùa. Các mặt hàng khác như bát đĩa, xà phòng và một số đồ dùng gia đình thiết yếu khác tăng nhẹ. 

Một nguyên nhân đáng kể khác là từ 1/3, giá gas trong nước đồng loạt giảm.

Ngoài rổ tính giá, chỉ số giá vàng tháng này giảm 1,38% và chỉ số giá USD tăng 0,42% so với tháng trước.

Như vậy, với mức tăng CPI tháng 1 là 0,95%, tháng 2 là 1,3% và tháng 3 giảm 0,21%, sau 3 tháng, CPI của Hà Nội đã tăng 2,04% so đầu năm, đưa mức tăng bình quân quý I năm 2013 so cùng kỳ là 6,03%.

Tại TPHCM, CPI tháng 3 giảm 0,29% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng có 6 nhóm hàng có mức giá giảm là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác (-0,62%); nhóm hàng lương thực, thực phẩm (-0,6%); nhóm đồ uống và thuốc lá (- 0,35%);  nhóm giao thông (-0,34%); nhóm văn hóa - giải trí - du lịch (-0,47%). 

Chỉ có 2 nhóm có mức giá tăng là nhóm nhà ở, điện nước và chất đốt (tăng 0,38%) và nhóm thiết bị đồ dùng gia đình (tăng 0,07%). 

Chỉ số giá tiêu dùng tại TPHCM giảm mạnh sau Tết.

Chỉ số giá tiêu dùng tại TPHCM giảm mạnh sau Tết.

Cục Thống kê TPHCM cho biết, giá hàng lương thực giảm do hiện nay lượng hàng cung cho xuất khẩu bị hạn chế, lúa hàng hóa còn tồn động trong dân cần phải tiêu thụ nhiều lớn. Giá hàng thực phẩm giảm do mức tiêu thụ trên thị trường đã trở về mức trung bình trong năm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so với đầu năm và cùng kỳ năm trước.

So với tháng 3/2012, chỉ số CPI vẫn tăng 2,85% nhưng là tháng có mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất tính từ năm 2003 đến nay. Còn nếu so với tháng 12 năm ngoái thì chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 1,15%.  

Không nằm trong rổ tính giá, giá vàng giảm 2,94% so với tháng trước, giảm 1,1 % so với tháng 3/2012. Chỉ số giá USD tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 1,65% so với tháng 3/2012. 

Với diễn biến giá tại hai trung tâm kinh tế lớn nhất nước trong trạng thái giảm phát, dự kiến, CPI cả nước tháng này sẽ ở mức thấp. Đây là điều kiện để giảm lãi suất huy động và cũng là cơ sở để hạ lãi suất cho vay.

Bích Diệp