1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Giảm giá xăng dầu: “Ăn mừng” đến đâu?

Việc giảm giá xăng dầu được chờ đợi suốt nhiều tháng nay, đến cuối tuần trước mới chính thức được công bố. Nhưng biên độ giảm của giá xăng dầu từ 300 - 500 đồng/lít dường như khiến cho niềm vui chưa trọn vẹn.

Giảm giá xăng dầu: “Ăn mừng” đến đâu?  - 1
Mức giảm chỉ vài phần trăm như lần này thì ảnh hưởng lan tỏa sẽ là không nhiều.
 
“Với mức tăng hơn 2.000 đồng/lít hồi đầu năm mới tác động mạnh đến lạm phát và tăng trưởng, còn mức giảm chỉ vài phần trăm như lần này thì ảnh hưởng lan tỏa sẽ là không nhiều”, Phó vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Dương Mạnh Hùng nói.

 

Theo ghi nhận giá xăng dầu trên thị trường thế giới, trong mấy tháng gần đây biến động lên, xuống khá lớn nhưng xu hướng chung là giảm, cùng chiều với nhiều thông tin về tình hình kinh tế thế giới có khả năng còn ảm đạm hơn dự báo.

 

Tuy nhiên, mặt bằng giá đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường Việt Nam, kể từ lần giá xăng dầu tăng thêm 2.000 - 2.800 đồng/lít vào ngày 29/3, đến nay vẫn “án binh bất động”.

 

Cho nên, mức giảm giá vừa qua đã không được đón đợi tích cực từ thị trường. Trên một số diễn đàn về tài chính, chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng, “sóng xăng dầu” có lẽ chỉ thắp lên ít diễn biến tích cực với VN-Index trong phiên đầu tuần này, nhưng có thể cũng khó giữ được hết phiên.

 

Tham vấn một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê, ước tính với mức giảm giá xăng dầu lần này, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước sẽ chỉ kéo giảm khoảng 0,2%.

 

“Với mức tăng hiện đã trên 23% thì tác động giảm như trên là không đáng kể, hỗ trợ tăng trưởng từ việc giảm giá xăng dầu cũng sẽ không nhiều”, ông Hùng cho biết thêm. Trong khi đó, giai đoạn để việc điều chỉnh giá mặt hàng này vào hết nền kinh tế, ông Hùng cho rằng sẽ phải mất khoảng từ 3-6 tháng.

 

Tuy nhiên, nhìn vào thị trường một số loại hàng hóa khác, thường có mức độ ảnh hưởng lớn hơn đến chỉ số giá tiêu dùng như lương thực, thực phẩm…, thông tin phát đi từ các cơ quan chức năng còn cho thấy những góc độ thiếu tích cực.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một báo cáo công bố cho biết, từ nay tới hết năm 2011, lượng cung đối với thịt hơi các loại vào khoảng 2,27 - 2,38 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ khoảng 2,40 - 2,50 triệu tấn, vì vậy từ thời điểm này đến cuối năm cả nước còn thiếu khoảng 0,12 - 0,14 triệu tấn thịt.

 

Cục Chăn nuôi thì cho rằng, lượng thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng lượng thịt nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, với mức giá cao như hiện nay có thể sẽ khuyến khích người chăn nuôi tái đàn và giúp làm tăng nguồn cung cho thị trường trong vài tháng tới.

 

Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh trong những tháng cuối năm thường bộc phát rất nhanh và khả năng tăng nguồn cung thực phẩm rất chậm, phụ thuộc lớn vào điều kiện tăng trưởng thường bị tác động bởi thời tiết…, rủi ro giá lương thực tác động đến CPI những tháng tới vẫn còn.

 

Và cũng với thông tin dịch đã được khống chế, người chăn nuôi có lãi nên chăn nuôi gia đang có chiều hướng tăng nhanh…, chi phí đầu vào vẫn đang tiếp tục xu hướng tăng.

 

Báo cáo tháng 8 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: “Giá nhập khẩu các loại vật tư nông nghiệp tăng cao”. Con số cụ thể cũng được Bộ dẫn tại báo cáo, giá phân bón nhập khẩu đã tăng 33% so với cùng kỳ năm trước…

 

So sánh mức giá tại các báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)… giá thịt lợn hơi đã tăng gấp rưỡi so với hồi đầu năm nay. Thịt bò, gà, cá… cũng có mức tăng giá khá lớn.

 

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu bình quân từ mức khá cao trong quý 1/2011 đột xuống đáy khoảng 470 USD/tấn vào tháng 4, thì này đang có chiều hướng đi lên. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 7 vào khoảng 497 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu quý 2.

 

Cùng với chính sách điều chỉnh lương tối thiểu từ ngày 1/10 tới, điện, gas, tỷ giá, lãi suất vẫn còn là ẩn số đối với CPI trong những tháng cuối năm nay.

 

Theo Diệu Hương
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm