Có một số cá nhân “bắt nạt” doanh nghiệp “sau lưng” Thủ tướng
(Dân trí) - Dù Thủ tướng đã “cấm” tình trạng nhũng nhiễu, bắt nạt doanh nghiệp, nhưng “sau lưng” Thủ tướng vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng, không tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn…
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đã nêu lên thông tin trên, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH), tại hội trường Quốc hội sáng nay (13/6).
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, sau đại dịch Covid-19, để có sự đồng nhất và tạo đà bứt phá đưa nền kinh tế phát triển bền vững, cùng với thực hiện chủ trương “không để ai ở lại phía sau” thì nên có chủ trương thực hiện “không để tỉnh nào ở lại phía sau”.
Ông Phương kiến nghị Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề nóng hiện nay, trong đó có tình trạng dịch Covid khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều người lao động mất việc làm, thất nghiệp; nguồn thu ngân sách quốc gia sụt giảm nghiêm trọng.
“Thủ tướng có gặp mặt đối thoại, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bị bắt nạt, thế nhưng sau Thủ tướng vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn” - đại biểu đoàn Quảng Bình cho hay.
Cũng theo đại biểu này, không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu, nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp giấy phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết. Trong khi đó các doanh nghiệp gặp khó khăn, vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư mua sắm phương tiện, dây chuyền, thiết bị để phục vụ cho sản xuất. Nhưng hàng hóa sản xuất không được xuất khẩu, hàng hóa tồn kho quá lớn, vốn liếng doanh nghiệp tồn động, nguy cơ phá sản; nhà nước cũng không có cơ hội thu ngân sách.
Không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời, một số dự án khác, vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư. Có doanh nghiệp cơ bản hoàn thành từ năm 2019 nhưng do vướng mắc Luật Quy hoạch, nay Luật đã có Nghị quyết hướng dẫn của Quốc hội nhưng đến nay vẫn dừng chờ, làm chậm tiến độ, không được giải quyết.
Nguồn điện quốc gia thiếu, doanh nghiệp ghặp khó khăn, vướng mắc nguy cơ nợ nần, phá sản; các địa phương lại không hoàn thành thực hiện kế hoạch mục tiêu trong nhiệm kỳ, đại biểu này đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia.
Đại biểu đoàn Quảng Bình cho cho rằng cần xác định các ngành, lĩnh vực được ưu tiên, nhằm mục tiêu định hướng thu hút đầu tư một cách chủ động đến các khu vực và tỉnh khó khăn. Cần tăng cường nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biêt, đại biểu đề nghị cần tập trung thanh tra, kiểm toán để chống tham nhũng, giảm hụt nguồn thu ngân sách. “Tình trạng bôi trơn, trốn thuế, dư luận thì có, phát hiện thì ít. Doanh nghiệp Nhật trên đất Việt 2 lần đưa tiền 5,5 tỷ đồng cho đội kiểm tra nhưng trong nước thì bình yên, chỉ nước Nhật mới phát hiện được. Đây là phần nhỏ của tảng băng chìm, làm thất thoát vốn lớn của Nhà nước” - ông Phương nhấn mạnh.
Cuối cùng, đại biểu đoàn Quảng Bình nêu tình trạng hiện nay việc phòng chống tham nhũng làm tốt nhưng phòng chống lãng phí thì không làm tốt. Đặc biệt, phải làm rõ tại sao doanh nghiệp phá sản để xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Như Quỳnh - Quang Phong