Giải ngân FDI kém hiệu quả

(Dân trí) - Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, mặc dù môi trường đầu tư của Việt Nam đã có những cải thiện đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại mà đặc biệt là tốc độ giải ngân FDI.

Trao đổi với báo giới tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ngày 4/12, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: Để thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nâng cao vai trò cung cấp thông tin, phối hợp và làm tốt hơn việc điều hòa ở tầm vĩ mô về năng lượng, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như ở tầm địa phương.

Ông đánh giá như thế nào về việc phân cấp đầu tư và năng lực thẩm định của các địa phương hiện nay trong công tác kêu gọi đầu tư nước ngoài?

Việc phân cấp đầu tư cũng là biện pháp đúng đắn. Nguyên tắc của quản lý là phải giao cho cơ quan thấp nhất có thẩm quyền, có hiểu biết để giải quyết thấu đáo nhằm tránh đẩy lên các cấp cap hơn làm mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, việc phân cấp như vậy cũng sẽ nảy sinh ra mấy vấn đề. Trước hết là năng lực thẩm định của các cơ quan như thế nào, một dự án đầu tư lớn không chỉ liên quan đến vấn đề của một tỉnh mà còn liên quan đến giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng, điện nước…

Điều đó đặt ra năng lực điều hòa phối hợp giữa các đơn vị phải có sự đồng bộ. Nếu không làm được việc này thì việc phân cấp dẫn đến những bất cập mới.

Vừa qua Việt Nam đã công bố chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), các doanh nghiệp nước ngoài họ nhìn nhận như thế nào về chỉ này, thưa ông?

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài họ rất quan tâm, tất cả các phòng thương mại công nghiệp ở các nước đều có tham khảo PCI được chúng ta công bố. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng chỉ số đó hiện nay đang có một số tỉnh còn chưa hài lòng và một số tỉnh còn đang tranh cãi.

Theo tôi, đó là một chỉ số có ích và đáng tin cậy, do đó nhiều tỉnh đã có nhiều cải thiện trong việc thu hút đầu tư. Hà Tây là một ví dụ.

Năm 2007 cũng được xem là năm kỷ lục về thu hút vốn FDI, nhưng nhưng đi liền với đó là vấn đề giải ngân và lạm phát, có gì đáng lo ngại không, thưa ông?

Dự kiến vốn đầu tư nước ngoài của VN được cấp phép trong năm nay sẽ lên tới 16 tỷ , so với năm 2006 là 10,2 tỷ USD và năm 2000 là 2,4 tỷ USD thì mức tăng này là hết sức ngoạn mục.

Tuy nhiên, nếu như năm 2000 chúng ta giải ngân được 2,2 tỷ USD chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư, thì năm 2006 giải ngân được 4,1 tỷ (chiếm 40%) tới năm nay giải ngân 4,5 tỷ (chiếm chưa tới 30% tổng vốn đầu tư). Số liệu trên cho thấy vấn đề giải ngân của chúng ta chưa hiệu quả.

Câu hỏi cuối cùng, trong một năm vừa qua, điều mà ông ấn tượng nhất trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam là gì, thưa ông?

Điều mà tôi ấn tượng nhất là việc đăng ký kinh doanh đã được cải thiện hơn.

Xin cám ơn ông!

Trần Hưng (thực hiện)