Giải mã “hộp đen” kinh tế Trung Quốc qua 4 con số
(Dân trí) - Trung Quốc tựa như chiếc “hộp đen” của nền kinh tế toàn cầu. Không ai có thể biết rõ những gì đang thực sự xảy ra ở đất nước này, bởi vậy mà người ta thường nghĩ đến những điều tồi tệ nhất.
Trong nhiều tháng qua, mối lo đồng nhân dân tệ sẽ còn giảm giá đã khiến thị trường sợ hãi. Cú lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tháng 8 năm ngoái đã làm cho giới đầu tư chứng khoán toàn cầu hoảng loạn. Trung Quốc cũng bị chỉ trích là tác nhân chính gây ra nhiều vấn đề khác, từ giá dầu thấp cho tới giá vàng cao.
Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang tăng trưởng chậm lại. Năm 2015, kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Riêng trong quý I/2016 này, kinh tế Trung Quốc tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng chậm khi chỉ đạt 6,7% - mức tăng trưởng thấp nhất nếu tính theo quý trong 7 năm qua.
Tốc độ tăng trưởng như vậy là niềm mơ ước của hầu hết các quốc gia khác trên thế giới (như Mỹ, tăng trưởng kinh tế năm 2015 chỉ đạt 2,4%). Song với Trung Quốc và với nền kinh tế toàn cầu, việc nền kinh tế nước này chững lại là một vấn đề rất nghiêm trọng, bởi điều đó có thể đồng nghĩa với việc một cuộc giảm tốc tăng trưởng lớn hơn nhiều đang đến gần.
Trên một số phương diện, những số liệu thực tế về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không thực sự quan trọng. Nước này có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5 – 7,5% bằng cách khai khống.
Ở một số phương diện khác, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc là điều tất yếu do quy luật số lớn – nền kinh tế Trung Quốc quá lớn để có thể tăng trưởng 7% mỗi năm. Tương tự, quy mô lớn cũng là lý do tại sao Apple đang đối mặt với vấn đề tăng trưởng.
Bên cạnh đó, còn có một cách khác để hiểu về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Đó là nhìn vào những con số khác ngoài dữ liệu tăng trưởng GDP. Những con số này còn chứa đựng nhiều thông tin hơn, và nói lên nhiều điều quan trọng hơn về những gì đang xảy ra bên trong nền kinh tế Trung Quốc.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI
Mặc dù Trung Quốc đang cố gắng giảm phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất nhưng chỉ số PMI vẫn là thước đo rất quan trọng về nền kinh tế Trung Quốc.
Trong tháng 3 vừa qua, chỉ số PMI của Trung Quốc đạt mức 50,2 điểm – Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7/2015 chỉ số này đạt trên mức 50 điểm. Trước đó, trong tháng 2/2016, chỉ số PMI của nước này ở mức 49 điểm. Vì thế, ngành sản xuất của Trung Quốc đã tăng nhẹ trong tháng 3 sau khi đi xuống trong tháng 2.
Tuy nhiên, con số này chỉ có giá trị trong một tháng chứ không định hình thành xu hướng. Nếu trong tháng 4 vừa qua, chỉ số PMI tiếp tục trên 50 điểm hoặc duy trì trên 50 điểm trong vài tháng sau đó thì xu hướng của ngành sản xuất Trung Quốc có thể đã thực sự thay đổi.
Chỉ số sản xuất công nghiệp
Trong tháng 3/2016, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng ở mức 6,8%, cao hơn so với mức 5,9% được dự đoán trước đó. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Nếu xu hướng này tiếp tục khi những số liệu mới nhất được công bố vào ngày 14/5 tới đây thì đây sẽ là dấu hiệu tốt đối với nền kinh tế nước này.
Dữ liệu xuất khẩu
Xuất khẩu không ngừng tăng mạnh là một trong những lý do khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh trong vài thập kỷ qua. Trong tháng 3/2016, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2015 hoạt động xuất khẩu nước này tăng trở lại. Điều ngạc nhiên là trước đó, các dự đoán cho rằng xuất khẩu của nước này chỉ tăng khoảng 2,5%.
Mặt khác, tăng trưởng trong một tháng cũng không có ý nghĩa nhiều. Cần có một xu hướng trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào. Dự kiến phải đến 8/5, số liệu thống kê về tình hình xuất khẩu trong tháng qua mới được công bố.
Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (chỉ số BDI)
Chỉ số BDI có đôi chút khác biệt so với các chỉ số trên vì nó không tập trung vào Trung Quốc một cách cụ thể. Chỉ số BDI là chỉ số đo lường hàng ngày mức phí thuê tàu chở các loại nguyên vật liệu thô như sắt thép, ngũ cốc, dầu…bằng đường biển.
Chỉ số BDI thường được sử dụng để đo lường sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu, bởi vì giá thuê tàu biến động theo cung cầu các loại nguyên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất hàng xuất khẩu. Khi nhu cầu vận chuyển lớn thì giá cả thuê tàu cũng tăng cao. Vì vậy, khi chỉ số BDI tăng thì đó là một chỉ báo tốt cho thấy kinh tế toàn cầu đang hoặc sẽ sớm tăng trưởng.
Do Trung Quốc là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng nhất trên toàn cầu và là khách hàng lớn của các loại hàng hoá nguyên liệu thô nên chỉ số BDI cũng là một phương pháp để dự đoán xu hướng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những tháng tới. Nếu chỉ số này tăng thì đó là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tháng 5/2008, BDI đã đạt đỉnh khi vượt qua mức 11.000 điểm. Tuy nhiên đó là sự tăng trưởng bong bóng nên chỉ số này đã nhanh chóng lao dốc. Sau đó, vào tháng 5/2010, mức đỉnh mới được thiết lập là trên 4.000 điểm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chỉ số này liên tục giảm đều đặn. Trong tháng 12/2015 vừa qua, chỉ số BDI đã giảm xuống dưới 500 điểm.
Giá cả hàng hoá sụt giảm mạnh trong 18 tháng qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của chỉ số BDI. Giá cả giảm là do nhu cầu thấp khiến hoạt động vận chuyển các loại hàng hoá nguyên liệu thô cũng ít đi. Một vấn đề khác đó là có nhiều tàu hàng hơn khiến cho mức độ cạnh tranh giữa các tàu chở hàng ngày càng khốc liệt và đương nhiên chi phí vận chuyển giảm xuống.
Tuy nhiên, sau khi chạm đáy mọi thời đại ở mức 290 điểm vào tháng 2, chỉ số BDI đã hồi phục trở lại và hiện đang ở mức 700 điểm. Nếu xu hướng này tiếp diễn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Trung Quốc nói riêng đang khởi sắc.
Nhật Linh
Theo Business Insider