Nợ công của Trung Quốc lập kỷ lục mới
(Dân trí) - Nợ công của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục mới là 237% trên GDP trong quý I/2016, vượt xa nhiều nền kinh tế mới nổi khác, làm tăng nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính, kéo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tờ Financial Times dẫn khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cho biết.
Tỷ lệ nợ công/GDP của Trung Quốc dù không chênh lệch bao nhiêu so với Mỹ và các khu vực sử dụng đồng euro (237% so với lần lượt là 248% và 270%) nhưng lại quá cao so với các nền kinh tế đang phát triển khác trong khu vực. Điều đáng lo ngại hơn đó là tốc độ nợ công/GDP tại Bắc Kinh lại tăng nhanh (năm 2007 con số này mới chỉ đạt 148%).
Được biết, Bắc Kinh đã bắt đầu chuyển sang hình thức cho vay quy mô lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện các khoản nợ ròng từ quý sau, bao gồm cả các khoản vay trong và ngoài nước.
Ha Jiming, Giám đốc chiến lược đầu tư của Goldman Sachs cảnh báo: "Mọi nền kinh tế với tốc độ tăng nợ công mạnh mẽ đều từng trải qua ít nhất một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại."
Không chỉ dừng lại ở đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF còn cảnh báo các nền kinh tế phát triển trong khu vực và trên thế giới về các mối đe dọa về kinh tế đến từ những khoản nợ khổng lồ từ Trung Quốc do mối liên hệ chặt chẽ giữa quốc gia này với thị trường tài chính toàn cầu. Trung Quốc đang gia tăng rủi ro cho các nền kinh tế phát triển.
Mức nợ công tăng cao đáng báo động tại Trung Quốc
Tình trạng của Trung Quốc hiện nay được đánh giá là khá giống giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ vào năm 2008, khi các hệ thống ngân hàng và thị trường tín dụng bị tê liệt. Tuy nhiên một vài nhà đầu tư tin tưởng vào các tín hiệu tích cực, và cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vẫn có khả năng ngăn chặn khủng hoảng xảy ra bằng cách nhanh chóng bơm các khoản tiền mặt lớn vào hệ thống ngân hàng.
Thế nhưng nhiều nhà phân tích lại cho rằng ngay cả khi tránh được khủng hoảng, Trung Quốc vẫn sẽ rơi vào một thời kỳ được miêu tả là "suy thoái bảng cân đối", khiến thị trường tăng trưởng chậm chạp trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ giống như nền kinh tế Nhật Bản vào những năm 1990 và 2000.
"Nếu thua lỗ không thể hiện trên bảng cân đối tài chính của công ty, nó sẽ biểu lộ thông qua mức tăng trưởng chậm lại, điều mà chúng ta nhiều khả năng sẽ thấy ở thị trường Trung Quốc" - ông Charlene Chu, một nhà nghiên cứu tại Công ty Autonomous Research Asia (Hồng Kông) cho biết.
Nguyễn Nguyễn