Giấc mơ du học của giới siêu giàu Trung Quốc tan tành vì Covid-19?

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến những giấc mơ cho con cái mình của giới tài phiệt Trung Quốc sang nước ngoài để du học hay đầu tư bất động sản vào các nước lớn sẽ bị thay đổi hoàn toàn.

Giấc mơ du học của giới siêu giàu Trung Quốc tan tành vì Covid-19? - 1
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 660.000 sinh viên tại đại lục đã đi du học năm 2019, tăng 8,8% so với cùng ký một năm trước. Ảnh: SCMP

Lo lắng về một tương lai với thu nhập không ổn định, rủi ro sức khỏe cao khi sống tại nước ngoài và hình ảnh của Trung Quốc trong mắt người dân phương Tây đã buộc nhiều gia đình giàu có tại Trung Quốc phải tính toán lại các kế hoạch gửi con cái của họ du học tại các nước lớn như Anh, Mỹ hay định cư mua nhà tại Canada hay Úc.

Ngạc nhiên về khả năng chống dịch “kém cỏi” của các nước hàng đầu thế giới ở phương Tây, những mộng tưởng về một cuộc sống có chất lượng tốt hơn, an toàn hơn của giới siêu giàu châu Á giờ đây đã có những chuyển biến nhất định.

Theo như báo cáo của Viện Chính sách Di cư Mỹ, chỉ riêng trong năm 2017, thế giới đã có hơn 258 triệu người dân di cư, trong đó có đến 10 triệu người Trung Quốc đại lục - trở thành nhóm di cư lớn thứ 4 trong năm đó. Hơn 5 triệu người dân Trung Quốc nhập cư vào các điểm đến nổi tiếng như Hồng Kông, Mỹ, tiếp đến là Canada và Úc.

Khác với những năm thập niên 80,90, khi làn sóng người dân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp vào các nước phát triển với mong muốn tìm kiếm một công việc tốt hơn, thì giờ đây, giới trung lưu Trung Quốc đã trở nên giàu có hơn và bắt đầu chăm chút hơn về tương lai của các thế hệ sau với các kế hoạch đầu tư du học và bất động sản dài hạn.

Một cuộc khảo sát trong năm 2018 với 224 nhà đầu tư Trung Quốc giàu có được thực hiện bởi Hurun Report và Visas Consulting - một công ty giúp người dân Trung Quốc đầu tư và sinh sống ở nước ngoài, đã chỉ ra rằng Mỹ là điểm đến di cư hấp dẫn nhất, tiếp theo là Anh, Ireland, Canada và Úc.

Cuộc khảo sát cho thấy, giáo dục là lý do hàng đầu được cân nhắc khi di cư, tiếp theo là lý do sinh thái, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội và an toàn tài sản.

Niềm khao khát sở hữu được một ngôi nhà ở nước ngoài hoặc có một tấm bằng tốt nghiệp nước ngoài mạnh mẽ đến mức các trường tư thục chuẩn bị sinh viên Trung Quốc cho các trường cao đẳng và cơ quan di cư ở nước ngoài đã trở thành một doanh nghiệp bùng nổ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch đã dẫn đến một loạt các vụ phá sản trên khắp các công ty di cư đầu tư tại Trung Quốc.

Bill Liu- giám đốc một đại lý có trụ sở tại Quảng Châu chuyên giúp các công dân Trung Quốc giàu có di cư và mua tài sản ở nước ngoài, nhưng giờ đây phải thú nhận về những khó khăn do đại dịch gây ra đối với ông.

“Năm ngoái, tôi đã giúp khoảng 30 gia đình di cư và đầu tư ra nước ngoài, nhưng năm nay tôi sợ sẽ chỉ còn 10 hoặc thậm chí sẽ còn ít hơn”, ông Liu nói thêm rằng nhiều đồng nghiệp của anh ta đã phá sản kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Hơn nữa, tỷ lệ tử vong cao, nền kinh tế đóng băng và suy thoái ngày càng rõ rệt tại Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng đến tâm lý của tầng lớp trung lưu Trung Quốc và cùng với đó là khuyến cáo hạn chế di cư của chính phủ Trung Quốc trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

Không những vậy, giờ đây các phụ huynh đều lo lắng rằng con cái của họ sẽ bị phân biệt đối xử sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khiến nhiều nước lớn quay lưng lại với Trung Quốc. Ngược lại, nhiều gia đình trung lưu tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và hệ thống chính trị sẽ mãi trường tồn. Bây giờ họ tin rằng việc giữ lại bản sắc Trung Quốc và nắm giữ tài sản ở các thành phố hạng nhất của Trung Quốc cũng quan trọng như có được tấm thẻ xanh ở nước ngoài.

Hương Vũ

Theo SCMP