Giá xăng trong nước vẫn "tăng nhanh giảm chậm" so với giá thế giới
(Dân trí) - Bình quân 4 tháng đầu năm 2016, giá các mặt hàng xăng dầu tại thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Singapore đều giảm từ 27 - 47% so với cùng kì năm 2015, trong đó xăng RON 92 giảm khoảng 27%. Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng RON 92 trong nước tại thời điểm cuối tháng 4/2016 chỉ giảm khoảng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông tin từ cuộc họp Tổ điều hành Thị trường trong nước cho thấy, trong tháng 4, trên thị trường Singapore - thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, giá bình quân trong tháng 4 của các mặt hàng xăng dầu tăng từ 1 - 5% so với tháng 3; bình quân 4 tháng đầu năm 2016, giá các mặt hàng đều giảm từ 27 - 47% so với cùng kì năm 2015, trong đó xăng RON 92 giảm khoảng 29%, dầu diesel giảm 41%.
Đáng lưu ý, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại thời điểm cuối tháng 4/2016 chỉ giảm khoảng 13,5% so với tháng 4/2015 năm 2015; giá dầu diesel cũng chỉ giảm khoảng 30,5%.
Trước đó, số liệu do Tổng cục Hải quan công bố cũng cho thấy, trong quý I/2016, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 702.000 tấn xăng, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu tương ứng giảm từ 463 xuống 283 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 31%. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm khoảng 16,5% so với tháng 3/2015 (từ 17.280 đồng/lít về 14.420 đồng/lít).
Dù giá xăng dầu trong nước thường xuyên trong tình trạng "tăng nhanh giảm chậm" hơn so với giá thế giới nhưng lãnh đạo cơ quan điều hành là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn khẳng định, công tác điều hành giá xăng dầu tại Việt Nam hiện nay đảm bảo công khai, minh bạch và phản ánh được diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Giá xăng dầu hiện điều hành theo đúng Nghị định 83 của Chính phủ. Thực tế điều hành như thế nào thì đã được đánh giá qua dư luận. Hiện nay giá xăng dầu đã tiệm cận với giá thế giới, tuy nhiên, tiệm cận không có nghĩa giá thế giới tăng bao nhiêu thì trong nước phải tăng bấy nhiêu và ngược lại, giá thế giảm bao nhiêu thì trong nước phải giảm theo từng đó".
"Giá xăng dầu quan trọng nhất là tiệm cận với giá thế giới và công khai minh bạch, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Mới đây, sau vụ việc “lỗ hổng thuế, doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ”, kể từ ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diezel và 0% đối với dầu hỏa và mazut.
Thế nhưng, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cách tính này vẫn còn bất cập. Đó là việc luôn phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân. Ngoài ra, cách tính này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất và tạo sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán xăng dầu.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cách điều chỉnh thuế mới của Bộ Tài chính, qua 2-3 kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất cho thấy đã lộ ra nhiều bất cập. Việc tính thuế bình quân của một quý để rồi áp dụng điều hành cho cả quý sau cũng được đánh giá là cách điều hành đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình hiện nay.
Một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, khi trao đổi với Dân trí, cũng cho rằng, việc áp dụng mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở đã gây ra bất cập là gây phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân. Bên cạnh đó, cách tính thuế mới chỉ có lợi cho các doanh nghiệp lớn như Petrolimex khi đặt mua những lô hàng lớn thì họ luôn được áp dụng giá thấp hơn những lô hàng nhỏ, lẻ như các doanh nghiệp nhỏ.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận: "Thuế chưa đảm bảo hài hoà giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước và các đối tượng người tiêu dùng, chúng tôi đã tập hợp ý kiến và có công văn báo cáo. Với vai trò đầu mối về thuế suất của các loại mặt hàng, Bộ Tài chính sẽ có nghiên cứu của các đơn vị liên quan, kể cả Bộ Công Thương để đưa ra mức phù hợp nhất".
Phương Dung