Giá xăng tăng “sốc”, giá điện chưa dám xê dịch
(Dân trí) - Sau khi giá xăng bất ngờ tăng mạnh, dư luận trở nên lo ngại với diễn biến giá điện giữa bối cảnh mùa nắng nóng đến gần. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương khẳng định, ít nhất trong tháng 4, chưa có kế hoạch tăng giá điện.
Họp báo Bộ Công thương tháng 3/2013 (ảnh: BD).
Trước những lo ngại về giá điện sau khi giá xăng tăng “sốc” thời gian vừa qua, trao đổi với báo giới tại phiên Họp báo thường kỳ tháng 03/2013 của Bộ Công thương diễn ra cuối ngày 1/4, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương chưa nhận được đề xuất nào của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tăng giá điện, ít nhất là trong tháng 4 này.
“Rõ ràng là trong tháng 4 sẽ vẫn chưa có điều chỉnh nào liên quan đến giá điện” – ông Cường nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, “liệu điện đã thiếu chưa?”, ông Cường khẳng định, “trong 3 tháng đầu năm đã cung ứng đủ và 3 tháng tiếp theo, về cơ bản cũng là đủ”.
Bộ Công thương đã chỉ đạo các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng với EVN phải đảm bảo ổn định vận hành điện liên tục.
Riêng đối với EVN, cần phải xác định thời điểm phù hợp nếu cần thì phải huy động dầu với giá thành cao để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.
Trước đó, theo tính toán của EVN, do các hồ thủy điện không tích đầy hồ vào cuối năm 2012 nên sản lượng điện thiếu hụt ít nhất khoảng 1,43 tỉ kWh.
Cùng với tình trạng thiếu nước tại các hồ thủy điện, thời tiết khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên càng làm tình hình thêm trầm trọng.
Do vậy, để đảm bảo cung cấp ổn định lượng điện sản xuất, sinh hoạt trong năm nay, EVN dự kiến phải huy động 1,57 tỷ kWh chạy dầu FO và DO, riêng mùa khô là 1,113 tỷ kWh.
Tuy nhiên, ông Cường lưu ý rằng, kế hoạch trên có dự tính đến một số nguồn chưa vào vận hành hoặc có vấn đề. Trong trường hợp chưa cần thiết phải dùng đến các nguồn đắt tiền thì cần hạn chế, nhằm giảm áp lực tăng giá thành và tăng giá điện.
Xăng dầu và điện là những mặt hàng có sức ảnh hưởng tới số đông đời sống kinh tế xã hội.
Không dễ lường hết tác động của tăng giá "sốc"
Sau khi giá xăng bất ngờ tăng mạnh 1.430 đồng/lít, dư luận dấy lên lo ngại lạm phát sẽ bị ảnh hưởng mặc dù tháng 3, cả nước ghi nhận giảm phát.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong cho biết, việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng theo 2 vòng. Do quyền số của nhóm mặt hàng xăng dầu chỉ chiếm 8,87% rổ tính giá, do đó, việc tăng giá lần này chỉ khiến lạm phát tăng thêm 0,127% (tức tác động trực tiếp) ở vòng 1.
Về mức tác động gián tiếp của biến động giá xăng dầu đối với những loại hàng hóa khác, qua đó đẩy giá tiêu dùng lên (vòng 2), ông Quyền nói khá dài, tuy nhiên không đưa ra con số cụ thể. Đại diện Bộ Công cho rằng, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là từng điều kiện của doanh nghiệp.
Như Dân trí đã phản ánh, việc tăng giá xăng dầu kỷ lục đã khiến giá cước taxi cũng tăng mạnh 5-6%. Bên cạnh đó, giá cước vận tải hàng hóa cũng không thể “ngồi yên”, đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp và “kích” giá thành hàng hóa lên.
Chỉ số giá CPI đã tăng 2,14% so với cuối năm 2012, trong khi mục tiêu cả năm lạm phát phải dưới 6,8%. Mức này được cho là thấp so với cùng kỳ các năm trước song so với mục tiêu kiềm lạm phát cả năm vẫn còn cao.
Cũng chính vì vậy, khi giá xăng tăng “sốc” nhiều người lo ngại trong tình hình khô hạn căng thẳng, sử dụng dầu FO và phải mua điện ngoài với mức giá cao hơn, đẩy chi phí lên cao, ngành điện cũng không tránh khỏi tình trạng đòi tăng giá.
Nếu điện tăng giá ở thời điểm hiện tại sẽ không chỉ khiến điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn mà mục tiêu ổn định vĩ mô của Chính phủ cũng sẽ bị đe dọa.
Bích Diệp