Giá xăng tăng mức kỷ lục: Quyết định gây tranh cãi
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, quyết định điều chỉnh tăng giá xăng, dầu lần tối 28/3 gây nhiều tranh cãi, nhất là trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới giảm sâu và các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối trong nước đang lãi lớn...
Không chỉ khẳng định quyết định đó sẽ tác động tới tăng lạm phát, gây khó khăn cho đời sống của người dân và doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế này còn đề nghị cơ quan chức năng giải trình trước công luận...
Cụ thể, 20 giờ tối qua (28/3), giá xăng trong nước đã chính thức tăng. Với mức điều chỉnh tối đa 1.430 đồng/lít, giá xăng RON 92 xác lập mốc kỷ lục 24.580 đồng/lít.
Khôi phục lợi nhuận định mức cho DN mức 300đồng/lít,kg; ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá; giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu như hiện hành. Theo đó: Xăng điều chỉnh tối đa 1.430đ/lít, dầu diesel điều chỉnh tối đa 362đ/lít, dầu hỏa điều chỉnh tối đa 480đ/lít, dầu madút điều chỉnh tối đa 807đ/kg. Như vậy, giá bán lẻ xăng RON 92 hiện đã tăng lên tới mức 24.580 đồng - là mức cao kỷ lục so với trước đây.
Ép ngành vận tải phải tăng giá
Ảnh hưởng mạnh nhất bởi việc tăng giá là các DN vận tải. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN - cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên trước việc giá xăng được điều chỉnh, trong một vài ngày trước đây dư luận kêu giá xăng, dầu trên thị trường thế giới giảm nhưng Bộ Tài chính lại cho rằng chưa đủ điều kiện giảm. Việc tăng giá lần này rất đột ngột vì dư luận đang yêu cầu giảm mà liên bộ lại tăng, điều này quá bất ngờ với xã hội nói chung và ngành vận tải nói riêng”.
Theo ông Hùng, giá xăng, dầu tăng cao sẽ buộc ngành vận tải phải điều chỉnh lại giá cước. Đây là điều không muốn nhưng vẫn phải làm, vì nếu không tăng cước thì sẽ lỗ và không thể tồn tại được. Giá cước tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí lưu thông hàng hóa và sẽ kéo theo nhiều mặt hàng phải tăng giá, làm bấn loạn thị trường.
Theo thống kê, trong tháng 3, lạm phát âm so với tháng 2, mặt khác Ngân hàng Nhà nước mới giảm lãi suất từ 8% xuống 7,5%/năm (kỳ hạn ngắn từ 1 đến dưới 12 tháng). Việc xăng, dầu tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng tháng sau. Đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng, việc tăng giá xăng, dầu tất yếu sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng và khi đã được điều chỉnh thì việc mặt bằng giá cả bị kéo theo là điều đương nhiên.
Dân chờ giá xăng giảm, nhưng...
Việc tăng giá xăng, dầu đã khiến người dân bất ngờ, bởi điều này trái ngược với kỳ vọng suốt mấy ngày qua của đông đảo người dân do xăng dầu thế giới hiện đang có xu hướng giảm. Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, quyết định điều chỉnh tăng giá xăng lần này gây nhiều tranh cãi; nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang giảm sâu và công luận phản ánh.
Khi được biết tin tăng giá xăng dầu, chị Nguyễn Thị Huệ (trú tại Văn Quán, Hà Nội) cho biết, chị hết sức bất ngờ bởi quyết định này của liên bộ Tài chính – Công Thương. “Tôi thấy gần đây giá xăng, dầu trên thế giới có xu hướng giảm như báo chí nói, nhưng sao cơ quan quản lý lại quyết định tăng giá?” - chị Huệ đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ (Thanh Trì, Hà Nội) còn tỏ ra khá bức xúc khi biết thông tin này: “Mấy hôm nay tôi nghĩ giá xăng, dầu thế giới giảm nhiều thế, việc giảm chỉ còn là thời gian; nhưng sao các bộ không giảm mà lại tăng?”.
Trước đó, như đã phản ánh, suốt trong thời gian giá xăng dầu thế giới tăng giá xăng dầu trong nước không tăng do các DN kinh doanh xăng dầu được sử dụng quỹ bình ổn giá với mức 2.000đ/lít xăng, dầu DO là 800đ và dầu hỏa là 1.150đ/lít. Từ cuối tháng 2, giá xăng tại thị trường Singapore là 132USD/thùng; đến giữa tháng 3 đã giảm xuống còn và 123USD/thùng thì đến ngày 25/3, giá xăng thành phẩm tại Singapore tiếp tục giảm sâu và chỉ còn ở mức 117-120USD/thùng. Các DN nhân đó đã đẩy mạnh nhập hàng và tăng chiết khấu hoa hồng cho các đại lý.
Nếu riêng nửa đầu tháng 3/2013, lượng xăng dầu nhập khẩu ước lên tới 349.000 tấn và với mức trích hoa hồng cho một số đầu mối đã lên tới 700đ/lít đối với xăng (trước đó chỉ 200-300đ/lít xăng); dầu là gần 1.000đ/lít.
Liên bộ: 3 lý do tăng giá
Bộ Tài chính đã nêu ra 3 lý do để tăng giá xăng dầu. Thứ nhất, giá xăng dầu hiện có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Thứ hai, do Quỹ bình ổn giá đã hết. Thứ ba, giá trong nước hiện đang thấp hơn giá của các nước có chung biên giới với VN từ 2.000 - 5.000đ/lít, dẫn đến tình trạng buôn lậu rất phức tạp.
Trước đó - ngày 26/2, giá xăng dầu thế giới tăng ở mức cao, theo tính toán của liên bộ Tài chính - Công Thương, giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000-2.300đ/lít. Liên bộ cho rằng, khi đó phải điều chỉnh tăng giá bán từ 1.000-2.300đ/lít, nhưng để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp.
Từ đầu năm tới nay, cơ quan quản lý đã 4 lần điều chỉnh mức sử dụng quỹ bình ổn giá và hiện nay mức sử dụng quỹ bình ổn giá đối với xăng là 2.000đ/lít, dầu diesel là 800đ/lít, dầu hỏa là 1.150đ/lít và dầu madút là 650đ/kg). Nay quỹ này đã hết nên không có khoản bù đắp.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương: Việc tăng giá lần này một là gây ra những nghi vấn và thắc mắc trong dư luận, vì cách đây mấy ngày báo chí đã đưa lên là Quỹ bình ổn giá đã trích ra cao hơn mức lỗ thực và các DN kinh doanh xăng đầu mối siêu lãi. Còn việc nâng giá xăng lên chắc chắn đóng góp vào việc lạm phát tăng và gây khó khăn lớn cho đời sống người dân và các doanh nghiệp, hiện nay họ đã quá mệt mỏi. Tôi thấy đây là quyết định gây tranh cãi và tôi rất mong các cơ quan có giải trình trước công luận về những điểm báo chí đã đưa lên.
Đ.Tiến ghi |
Theo Đặng Tiến – Lưu Thủy