Giá xăng tăng hay giảm vào kỳ điều chỉnh ngày mai?
(Dân trí) - Theo kế hoạch, ngày mai (28/7), Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ.
Dữ liệu Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore duy trì mức độ ổn định, hãm lại đà tăng mạnh so với hồi tháng 6.
Cụ thể, tại kỳ điều chỉnh mới, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình có giá 44,77 USD/thùng. Trong khi đó, xăng RON 95 là 46,31 USD/thùng, tăng nhẹ nhưng không đáng kể so với chu kỳ trước.
Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ không có nhiều biến động lớn.
Theo dự đoán của vị này, giá xăng RON 95 tại kỳ điều chỉnh này có thể được giữ nguyên, còn xăng E5 RON 92 và dầu có thể tăng nhẹ ở mức chưa đến 100 đồng/lít.
“Việc giá xăng được điều chỉnh như thế nào phụ thuộc nhiều vào việc cơ quan quản lý sẽ tác động đến quỹ bình ổn xăng dầu ra sao", vị này nhận định.
Trước đó, giá xăng dầu đã được giữ nguyên sau 4 lần tăng liên tiếp. Hiện giá xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 14.258 đồng/lít; RON 95 là 14.973 đồng/lít; Dầu diesel 12.114 đồng/lít; Dầu hỏa 10.038 đồng/lít; Dầu mazut 10.903 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, hiện nền kinh tế trong nước vẫn đang trong giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhu cầu sử dụng xăng dầu tiếp tục tăng.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá xăng dầu, mới đây Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu.
Tại dự thảo, cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án về thời gian điều chỉnh giá. Phương án 1, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 10 ngày và phương án 2 là 15 ngày.
Trao đổi với PV Dân trí về phương án sửa đổi nêu trên, lãnh đạo một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại khu vực Hà Nội cho rằng tốt nhất nên điều chỉnh kịp thời theo thị trường, theo đó nhập tăng thì bán tăng, nhập giảm thì bán giảm. Còn nếu không được như vậy thì càng ngắn ngày càng tốt.
Theo vị này, khi xăng dầu giảm mà không kịp thời điều chỉnh thì gây thiệt hại người tiêu dùng, còn khi tăng mà không kịp thời điều chỉnh thì làm khó cho doanh nghiệp.
Ông này dẫn chứng câu chuyện khủng hoảng nguồn cung xăng dầu vừa qua là một ví dụ điển hình. “Khi xăng lên giá mà phải đợi tới 15 ngày mới được điều chỉnh trong khiến nhiều doanh nghiệp găm hàng, om hàng không chịu bán ra", vị này nói.