Giá xăng liên tục tăng, Petrolimex lãi kỷ lục năm 2016
(Dân trí) - Trước thềm niêm yết - dự kiến ngay trong quý I/2017 này, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6.300,3 tỷ đồng và mức lãi ròng 5.165,7 tỷ đồng năm 2016, tăng gấp rưỡi so với 2015. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của tập đoàn này.
Lợi nhuận tăng gấp rưỡi trong năm 2016
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 vừa được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố, trong kỳ, lợi nhuận tập đoàn đã tăng 531 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.835,2 tỷ đồng.
Giải thích về mức tăng trưởng nói trên, Petrolimex cho biết, sản lượng xăng dầu năm 2016 tăng 5% so với năm 2015, riêng quý IV sản lượng tăng 13,7% so với cùng kỳ, đã giảm các chi phí cố định, gia tăng lợi nhuận. Trong điều kiện kinh doanh có lợi nhuận thì sản lượng gia tăng đã tăng đáng kể lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, với tình hình kinh tế trong nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại và doanh nghiệp mới thành lập có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ. Theo đó, kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của tập đoàn kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực khác đạt được kết quả khả quan, lợi nhuận tăng 15% so với cùng kỳ.
Cụ thể như, kinh doanh gas quý IV/2016 lợi nhuận tăng 35%, nhiên liệu bay quý IV/2016 lợi nhuận tăng 50%...
Tuy vậy, riêng lợi nhuận của công ty mẹ trong quý IV lại giảm 1.507 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là trong quý IV/2015, các công ty con, công ty liên kết tạm ứng cổ tức năm 2015 chuyển về công ty mẹ. Thế nhưng, quý IV/2016 lại chưa thực hiện như quý IV/2015 do không kịp tiến độ tạm ứng nên lợi nhuận công ty mẹ giảm nhưng lợi nhuận hợp nhất không thay đổi.
Ngoài ra, việc điều chỉnh hồi tố một số khoản chi phí tại công ty mẹ theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và của Thanh tra Chính phủ cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh công ty mẹ (dù không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn).
Lũy kế cả năm 2016, Petrolimex đạt lợi nhuận trước thuế 6.300,3 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với năm 2015. Sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, tập đoàn lãi ròng 5.165,7 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với 2015. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của tập đoàn này.
Petrolimex có tiềm lực tài chính khá mạnh so với những doanh nghiệp nhà nước khác. Ghi nhận tại thời điểm 31/12/2016, Petrolimex có 4.341,8 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong đó tới 4.045 tỷ đồng gửi ngân hàng. Nhờ vậy, trong kỳ, tập đoàn có 360,3 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay.
Nhà nước nắm dưới 76% vốn điều lệ Petrolimex
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cổ phần hóa và tái cơ cấu lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam năm 2011, vốn điều lệ được duyệt của Petrolimex sau khi chuyển đổi sang công ty cổ phần là 10.700 tỷ đồng, trong đó lượng cổ phần do Nhà nước nắm giữ chiếm 94,99%, các cổ đông khác chiếm 5,01%.
Trong kỳ, Petrolimex đã tiến hành phát hành 103,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược JX NOE (Nhật Bản). Phát hành cổ phiếu ưu đãi hoàn lại từ lợi nhuận sau thuế năm 2015 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% tương ứng số lượng cổ phiếu ưu đãi hoàn lại là 155 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành 1.550,6 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.
Tập đoàn cũng hoàn thành mua lại cổ phiếu quỹ toàn bộ cổ phiếu ưu đãi hoàn lại từ nguồn thặng dư phát hành vốn cho JX NOE với số lượng 155 triệu cổ phiếu, đồng thời thưởng 6% từ lợi nhuận sau thuế 2015 trên một cổ phiếu ưu đãi hoàn lại.
Đồng thời, hoàn thành bổ sung vốn Nhà nước thiếu theo phương án quyết toán cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Số lượng cổ phần do Nhà nước nắm giữ là 981,7 triệu cổ phần, chiếm 75,87% vốn điều lệ”, thông tin tại phần thuyết minh báo cáo tài chính nêu.
Trao đổi trên báo chí gần đây, Chủ tịch Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, với việc đủ điều kiện, tập đoàn này quyết tâm lên sàn luôn trong quý I/2017 và dự kiến niêm yết thẳng trên HoSE (không qua UPCoM).
Bích Diệp