Giá xăng giảm sốc liên tiếp, vì sao giá cước taxi vẫn lặng thinh?

(Dân trí) - Mỗi lần giá xăng tăng giá thì kèm theo nhiều biến động về giá các mặt hàng khác. Trong khi đó, sau 4 lần giảm liên tiếp, trong đó có 3 đợt giảm ở mức khá sâu, giá cước các loại hình vận tải vẫn lặng thinh.

Giá xăng dầu liên tục được giảm giá trong 4 lần điều chỉnh vừa qua.
Giá xăng dầu liên tục được giảm giá trong 4 lần điều chỉnh vừa qua.

Chiều 6/12, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định giảm giá giá các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, giá xăng các loại giảm tới 1.500 đồng/lít, tương tự giá các loại dầu cũng giảm ở mức khá cao, dao động từ 784 - 1.379 đồng/lít…

Như vậy, giá xăng đã có tổng cộng có 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ hôm 22/10. Tại 2 kỳ điều chỉnh gần đầy nhất, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh giảm ở mức sâu.

Hiện giá xăng E5RON92 được bán ở mức 17.181 đồng/lít; RON95 18.459 đồng/lít; Dầu diesel 16.258 đồng/lít; Dầu hỏa 15.252 đồng/lít.

Điều đáng lưu ý, mỗi lần giá xăng tăng giá thì kèm theo nhiều biến động về giá các mặt hàng khác. Trong khi đó, sau 3 lần giảm mạnh liên tiếp, giá cước các loại hình vận tải lặng thinh.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch hãng taxi G7 cho biết, từ đầu năm đến nay giá xăng tăng 6 lần, có đợt điều chỉnh lên vượt mốc 20.000 đồng/lít nhưng G7 và nhiều các hãng vẫn quyết giữ ổn định cước taxi để “gồng mình” cạnh tranh với mô hình mới như Grab…

“Không chỉ năm nay, giá cước taxi được giữ ổn định trong vòng 3-4 năm nay dù giá xăng dầu có nhiều biến động. Hiện cước taxi dao động ở mức 9.000 – 11.000 đồng tuỳ từng hãng”, ông Quân phân trần.

Theo vị này, giá cước không thể “lên xuống” ngay khi giá xăng, dầu tăng giảm. Các doanh nghiệp đều lên phương án dự tính giá xăng có thể tăng lên tới 25.000 đồng/lít hay giảm mạnh xuống dưới 17.000 đồng/lít mới bắt đầu tính chuyện điều chỉnh cước.

Bên cạnh đó theo ông Quân, muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, kẹp chì… chứ không phải muốn tăng là tăng, giảm là giảm như Grab. Đó là lý các doanh nghiệp đều tính toán một mức nhất định.

Trước câu hỏi liệu sau lần giảm thứ 4 liên tiếp của giá xăng dầu, doanh nghiệp có tính chuyện giảm giá cước, Chủ tịch G7 cho hay: "Chúng tôi đang tính toán chi phí liên quan. Nếu cần thiết sẽ giảm…"

Ông Phạm Quang Hiệp, Phó giám đốc hãng taxi Bắc Á cũng cho biết, hãng này đang có kế hoạch điều chỉnh giảm giá sau 4 lần giá xăng giảm liên tiếp.

“Nếu muốn giảm giá, chúng tôi phải đăng ký với bộ phận tài chính của Sở GTVT TP Hà Nội. Sau khi được sở duyệt thì sẽ trình sang cơ quan thuế. Chúng tôi đang tính toán việc giảm khoảng 1.000 đồng. còn khoảng 10.000 đồng/km”, ông Hiệp nói.

Vị này cũng nhấn mạnh, nhiều lần giá xăng tăng trước đó doanh nghiệp vẫn giữ ổn định giá để cạnh tranh. Trước sức ép cạnh tranh của Grab và các ứng dụng gọi xe khác, ông Hiệp cho biết giá cước luôn được các doanh nghiệp taxi tính toán phù hợp, vừa đảm bảo có lãi cho doanh nghiệp nhưng cũng phù hợp với người tiêu dùng.

“Đợt vừa qua chúng tôi chưa điều chỉnh giảm cước ngay vì còn “nghe ngóng”, giá xăng dầu thế giới cũng nhiều biến động, không thể thấy xăng giảm là giảm ngay. Hiệp hội taxi thành phố cũng đang bàn bạc về vấn đề này. Có thể sắp tới nhiều hãng tiến hành giảm”, ông Hiệp thông tin.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết, khi giá nhiên liệu điều chỉnh 10% thì giá cước vận tải có thể được điều chỉnh.

Vị này khẳng định Hiệp hội sẽ khuyến cáo doanh nghiệp tính toán giảm chi phí không cần thiết, chủ động các phương án giải quyết bài toán cân đối thu, chi. Tuy nhiên cũng quan điểm với doanh nghiệp, ông Thành khẳng định không phải muốn giảm giá là giảm ngay được vì liên quan đến xu hướng giá xăng, dầu thời gian tới, thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng lý do mà doanh nghiệp vận tải đưa ra là giá xăng không ổn định để biện minh cho việc không giảm giá cước là không hợp lý. Theo đó, với mức giá xăng như hiện tại, giá cước taxi phải giảm từ 700 - 900 đồng/km là hợp lý do chi phí cho giá xăng dầu hiện nay với taxi chiếm khá cao trong cơ cấu giá cước.

Trao đổi trên báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Cơ quan quản lý Nhà nước nước cần có quy định để mà định hướng, khuyến cáo doanh nghiệp khi có sự giảm giá nguyên liệu đầu vào quan trọng như vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, điều chỉnh giá...

Nguyễn Khánh

Giá xăng giảm sốc liên tiếp, vì sao giá cước taxi vẫn lặng thinh? - 2