Giá xăng, điện tăng gây áp lực cho nền kinh tế

Trong bối cảnh sức mua còn yếu, việc tăng giá này còn có khả năng tạo thêm áp lực cho sức cầu của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng giá các nguyên liệu vật tư đầu vào sẽ ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác trong thời gian tới.

Việc điều chỉnh liên tiếp giá của một số nguyên liệu vật tư đầu vào như xăng, điện, hay giá các dịch vụ y tế và học phí...đang khiến chỉ số giá tiêu dùng đứng trước áp lực tăng vào những tháng cuối năm.

Trong bối cảnh sức mua còn yếu, việc tăng giá này còn có khả năng tạo thêm áp lực cho sức cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, khả năng chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra do lực cầu của nền kinh tế hiện đang rất yếu.

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

Sau khi giá xăng tăng, đầu tháng 8, giá điện cũng tăng thêm 5% so với giá bán điện bình quân đang áp dụng, giá gas tăng thêm 8.000 đồng/bình 12kg...Cũng trong tháng 8, người tiêu dùng nhận tiếp thông tin các cửa hàng đồng loạt đẩy giá sữa lên. Không chỉ vậy, năm học mới sắp bắt đầu, những thông tin về tăng học phí khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng trước việc tăng giá đồng loạt của các mặt hàng chủ chốt.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc tăng giá các nguyên liệu vật tư đầu vào cũng như các mặt hàng thiết yếu vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, do sức mua đang chậm, nên các nhà cung ứng nếu tăng giá thì cũng chỉ tăng có mức độ.

“Xăng dầu, điện, giá gas, dịch vụ y tế, học phí là những sản phẩm đầu vào và hoạt động dịch vụ có tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống, cho nên khi các mặt hàng này được điều chỉnh theo hướng tăng, chắc chắn ảnh hưởng tới chỉ số mặt bằng giá cả nói chung, đấy là điều tất yếu. Nhưng giá chỉ tới 1 mức độ nào đó là bão hòa, còn nó phụ thuộc vào sức mua. Trong điều kiện sức mua đang rất cao thì mỗi 1 sự tác động nhỏ cũng tác động rất lớn, nhưng khi sức mua đã bị hạn chế, đã cạn kiệt mà trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn, sản xuất hàng tồn kho thì không thể tăng cao được.” - chuyên gia Ngô Trí Long nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá các nguyên liệu vật tư đầu vào tại thời điểm này có nhiều điều kiện không thuận lợi, không chỉ với người tiêu dùng mà còn là gánh nặng đối với các doanh nghiệp ở thời điểm sản xuất đang trì trệ như hiện nay. Chi phí đầu vào liên tiếp tăng sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn và khó phục hồi trở lại.

Giáo sư - Tiến sỹ Đặng Đình Đào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng: trong thời điểm nền kinh tế khó khăn, Chính phủ đang nỗ lực tìm các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thì việc giá điện tăng thêm 5% có thể gây thêm khó khăn cho nỗ lực giải cứu doanh nghiệp từ trước đến nay.

"Việc điều chỉnh giá đang đi ngược lại với chủ trương kích cầu trong thời gian vừa rồi vì khi giá cả lên, nhu cầu sẽ giảm xuống – đó là quy luật của thị trường. Trong điều kiện tồn kho cao, tiêu thụ khó khăn, việc điều chỉnh giá như vậy sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng và thúc đẩy sản xuất, vì khi hàng tồn kho chưa giải quyết được lại bị 1 áp lực lớn do giá đầu vào tăng, điện tăng, nhiều loại hàng tăng thì rõ ràng rất khó khăn cho doanh nghiệp.” - ông Đặng Đình Đào nói.

Điện và xăng dầu là yếu tố đầu vào của tất cả các ngành sản xuất và ảnh hưởng lớn tới tâm lý người tiêu dùng. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, việc tăng giá xăng gần đây nhất sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng khoảng 0,15%, giá điện tăng 5% từ ngày 1/8 cũng sẽ đóng góp 0,12%; ngoài ra, việc thành phố Hà Nội tăng lệ phí dịch vụ y tế trong tháng 8 cũng sẽ góp vào chỉ số giá chung của cả nước trong tháng 8 là 0,3%. Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8 dự báo sẽ tăng khoảng 0,6-0,7% so với tháng 7.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, lạm phát 7 tháng qua vẫn ở mức thấp (tăng 2,68% so với đầu năm) và còn dư địa nhất định cho việc tiếp tục điều chỉnh giá (giá điện, than, dịch vụ công) theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu kiểm soát lạm phát Quốc hội đề ra trong năm nay là dưới 7% chắc chắn sẽ đạt được. Tuy nhiên, khung thời gian từ nay cho đến cuối năm không còn nhiều nên cần phải có lộ trình điều chỉnh cụ thể để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường.

"Với mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu cần tiếp tục ưu tiên sử dụng biện pháp linh hoạt như thuế, quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo sát diễn biến thị trường, phù hợp với pháp luật để hạn chế việc tăng giá hàng loạt, tránh ảnh hưởng đến tâm lí thị trường. Những mặt hàng khác như tăng giá dịch vụ y tế cần giãn tiến độ, không nên tăng đồng loạt ở các tỉnh, gây sốc lớn cho xã hội như những năm trước. Sự ổn định giá cả của Việt Nam không bền vững, nên chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ và các cấp, các ngành có chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đầu tư hay các biện pháp hành chính nên lưu ý chỉ số giá có thể tăng mạnh trở lại trong thời gian tiếp theo." - ông Nguyễn Đức Thắng nói.

Khả năng CPI tăng mạnh trong năm nay sẽ khó có thể xảy ra do lực cầu của nền kinh tế đang rất yếu. Tuy nhiên, trong khi các điểm nghẽn của nền kinh tế còn chưa được tháo gỡ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần cải thiện niềm tin cho người dân và doanh nghiệp bằng cách điều hành khách quan hơn, dựa vào cơ sở khoa học nhiều hơn chứ không nên chỉ dựa vào "tiếng kêu" của một số ngành sản xuất, nhất là những ngành độc quyền hay những ngành chưa có tính cạnh tranh đầy đủ. Bên cạnh đó, việc điều hành giá cũng cần phải tính toán đến lợi ích toàn cục của nền kinh tế, lợi ích chung của các ngành cũng như đời sống của đa số người dân.
 
Theo Cẩm Tú
VOV