Giá xăng dầu đảo chiều, áp lực lạm phát tăng mạnh trở lại

(Dân trí) - Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát tổng thể đang có chiều hướng đi lên kể từ tháng 9/2016, chủ yếu do xu hướng tăng giá xăng dầu. Lạm phát năm 2017 sẽ tiếp tục xu thế tăng và có thể tăng mạnh hơn năm 2016 nếu thành phần chu kỳ của lạm phát (đặc biệt là tăng giá dịch vụ công) không được kiểm soát chặt chẽ.

Áp lực lạm phát gia tăng theo diễn biến của giá xăng dầu và điều chỉnh tăng của dịch vụ y tế, giáo dục
Áp lực lạm phát gia tăng theo diễn biến của giá xăng dầu và điều chỉnh tăng của dịch vụ y tế, giáo dục

Theo báo cáo vĩ mô vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia công bố, lạm phát tháng 2/2017 mặc dù chỉ tăng 0,69% so với đầu năm nhưng đã tăng tới 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho biết, chủ yếu do giá nhóm giao thông tăng 9,97% so với cùng kỳ do giá xăng dầu tháng 1/2017 tăng mạnh so với năm trước (tăng khoảng 13% so cùng kỳ).

Bên cạnh đó, áp lực lạm phát gia tăng còn do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành (giá dịch vụ y tế và giáo dục tăng lần lượt 57,21% và 10,07% so với cùng kỳ 2016).

Lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định (tháng 2/2017 tăng 1,51% so với cùng kỳ). Song nhìn chung, lạm phát tổng thể đang có chiều hướng đi lên kể từ tháng 9/2016, chủ yếu do xu hướng tăng giá xăng dầu.

Bằng phương pháp phân rã các thành phần của lạm phát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho hay, lạm phát 2 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh do chịu tác động của cả 2 yếu tố chu kỳ và mùa vụ.

Cụ thể: Một là, thành phần mùa vụ của lạm phát tăng mạnh trong tháng tết, đóng góp khoảng 0,6 điểm % vào lạm phát tổng thể của tháng 1/2017.

Hai là, thành phần chu kỳ của lạm phát (phản ánh tác động của chu kỳ tăng giá, trong đó có giá dịch vụ công) tiếp tục xu hướng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thành phần này trong tháng 2/2017 đóng góp khoảng 2,4 điểm % vào lạm phát tổng thể (5,02%).

"Điều đáng lưu ý là xu hướng dài hạn của lạm phát bắt đầu có xu hướng tăng rõ nét kể từ tháng 9/2016 đến nay", báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu. Xu hướng lạm phát dài hạn tại thời điểm tháng 2/2017 cao hơn khoảng 0,6 điểm % so với tháng 2/2016.

Tổng hợp những yếu tố trên cho thấy lạm phát năm 2017 sẽ tiếp tục xu thế tăng và có thể tăng mạnh hơn năm 2016 nếu thành phần chu kỳ của lạm phát (đặc biệt là tăng giá dịch vụ công) không được kiểm soát chặt chẽ.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tài chính, Công Thương, Y tế, Giáo dục và đào tạo xây dựng các phương án, kịch bản kết hợp các công cụ chính sách để bảo đảm lạm phát không quá 4%.

Bích Diệp