1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá vé máy bay đang tăng cao?

(Dân trí) - Số chuyến bay cung ứng hiện nay chỉ bằng 5 - 6% so với trước kia, khi cầu cao mà cung hạn chế thì giá vé cao là đương nhiên. Dù vậy, các hãng hàng không khẳng định giá vé vẫn trong khung trần.

Ghi nhận trên hệ thống bán vé trực tuyến của các hãng hàng không cho thấy, số lượng các chuyến bay nội địa, chặng Hà Nội - TPHCM đã tăng so với giai đoạn trước, giá vé cũng linh hoạt hơn và không còn “neo” ở mức 0 đồng - giá thấp chưa từng có trong lịch sử.

Đơn cử như Vietnam Airlines, giá vé niêm yết từ ngày 20/4 - 24/4, chặng Hà Nội - TPHCM có mức giá vé phổ thông khứ hồi thấp nhất là 5,1 triệu đồng/khách, cao nhất là gần 5,6 triệu đồng/khách. Giá vé đã bao gồm các loại thuế và phụ phí.

Cũng trong giai đoạn này, trên trang bán vé trực tuyến của Vietjet, các chuyến bay Hà Nội - TPHCM đã hết vé hạng vé thấp nhất. Hạng vé phổ thông khứ hồi có mức giá gần 3,8 triệu đồng/khách, vé Skyboss có giá 6,6 triệu đồng/khách/khứ hồi. Giá vé chưa bao gồm thuế và phụ phí.

Vé máy bay của Bamboo Airways trên cùng chặng, cùng thời điểm được ghi nhận có mức giá 3,8 triệu đồng/khách/khứ hồi, chưa bao gồm thuế và phụ phí.

Giá vé máy bay đang tăng cao? - 1
Tần suất khai thác của các hãng hàng không đã tăng so với trước

Theo các hãng hàng không, do việc “nới lỏng” cách ly nên việc đi lại của hành khách cũng tăng cao hơn so với 2 tuần trước, tuy nhiên trên mỗi chuyến bay việc giãn cách vẫn được thực hiện theo hình thức sắp xếp chỗ, mỗi khách cách nhau 1 ghế, vì vậy lượng khách khai thác không cao.

Về giá vé, đại diện các hãng hàng không đều khẳng định có sự chuyển biến so với thời điểm các đây 1 tháng - khi các đường hàng không bị phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại giá vé vẫn giữ ở mức ổn định, không cao và nằm trong khung giá trần. Có thể trong giai đoạn tới, giá vé tiếp tục thay đổi do nhu cầu đi lại cao khi dịch Covid-19 có diễn biến tích cực.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay: “Việc so sánh giá vé là hết sức khập khiễng”.

Theo vị này, trên cùng một chuyến bay có rất nhiều dải giá vé, hay nói cách khác là số tiền mà hành khách bỏ tiền ra mua vé trên cùng một chuyến bay chưa hẳn đã giống nhau. Có người mua đắt hơn, có người mua rẻ hơn.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, riêng trong giai đoạn này, nếu giá vé có đắt cũng là điều không quá khó hiểu, bởi nhu cầu đi lại, đặc biệt trên trục Hà Nội - TP.HCM vẫn rất cao, trong khi lượng cung bị hạn chế do dịch Covid-19.

“Hiện tại, số chuyến bay cung ứng chỉ bằng 5 - 6% so với trước kia. Khi cầu cao mà cung hạn chế thì giá vé cao là đương nhiên. Tuy nhiên, dù cao đến mức nào thì cũng không thể vượt quá trần giá vé máy bay quy định” - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định. 

Dẫn chứng về một trường hợp cụ thể, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết: Vừa qua, có trường hợp khách Việt Nam bay từ Thái về trên máy bay của hãng hàng không nước ngoài đã phải trả số tiền tới vài nghìn USD theo thoả thuận.

“Tất nhiên, trong nước, mức giá không thể cao đột biến như thế do trần giá vé máy bay nội địa vẫn đang bị khống chế” - lãnh đạo Cục Hàng không nhấn mạnh.

Theo quy định tại Thông tư 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, có hiệu từ ngày 1/7, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển KT-XH dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; Từ 500km - 800km, mức giá tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; Từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Quy định trong Thông tư 17 cũng nêu rõ: Mức giá tối đa này đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ tiền thuế giá trị gia tăng, các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm giá dịch vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý và giá dịch vụ tăng thêm.

Châu Như Quỳnh