Giá vàng thế giới tăng mạnh sau cuộc họp của FED

(Dân trí) - Giá vàng thế giới đã có phiên tăng gần 20 USD/oz vào đêm qua (18/3) bất chấp việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến thêm một bước gần hơn tới việc tăng lãi suất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt đã giúp vàng tăng giá trong phiên này. Ngoài ra, việc FED  cắt giảm dự báo về tăng trưởng và lạm phát Mỹ cũng được coi một tín hiệu cho thấy FED sẽ không vội đẩy lãi suất cơ bản đồng USD về mức bình thường, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho kim loại quý.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 18,3 USD/oz, tương đương mức tăng gần 1,6%, chốt ở 1.167,9 USD/oz. Giá vàng giao tháng 4 trên sàn NYMEX tăng 0,3%, chốt phiên ở 1.151,3 USD/oz.

Phiên này, đồng USD đã giảm giá 0,4% so với một rổ tiền tệ mạnh bao gồm đồng Euro.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã giảm 3% do triển vọng FED sẽ tăng lãi suất trong năm 2015.

Không nằm ngoài dự báo của các nhà phân tích, FED bỏ từ “kiên nhẫn” trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp. Động thái này của FED đồng nghĩa với việc cánh cửa tăng lãi suất trong một vài tháng tới được mở rộng hơn. Tuy nhiên, FED vẫn thể hiện rõ sự thận trọng trong đánh giá về tình trạng của nền kinh tế Mỹ.

Theo các nhà chuyên môn, cuộc họp này của FED đã gửi đi một thông điệp mềm mỏng hơn so với dự báo của các nhà đầu tư. Vì thế, sau cuộc họp, giới phân tích dự báo FED sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào mùa thu năm nay, thay vì vào giữa năm như dự báo đưa ra từ trước cuộc họp. Một số chuyên gia nói, FED có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 9, và sẽ có khoảng 1-2 đợt tăng trong năm 2015.

“Bỏ từ ‘kiên nhẫn’ ra khỏi tuyên bố không có nghĩa là chúng tôi sẽ không kiên nhẫn”, Chủ tịch FED Janet Yellen phát biểu trong một cuộc họp báo.

Bất chấp phiên tăng giá này của vàng, giới phân tích vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng kim loại quý. “Chúng tôi có cái nhìn bi quan, nhất là trong dài hạn, bởi nền kinh tế toàn cầu đang dần tốt lên và các rủi ro đối với tăng trưởng giảm xuống. Điều này đồng nghĩa với việc có ít lý do hơn để mua vàng làm tài sản an toàn”, nhà phân tích Julius Baer thuộc công ty Norbert Ruecker nhận xét.

Tuyên bố của FED cũng cho thấy việc chọn thời điểm để tăng lãi suất sẽ tùy thuộc nhiều vào các số liệu kinh tế. Thị trường việc làm Mỹ đang phục hồi tốt, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và nhu cầu tiêu dùng của nước này khởi sắc, nhưng giá dầu giảm sâu và đồng USD tăng giá đồng nghĩa FED chưa thể đạt mục tiêu lạm phát 2%.

“FED nhận thấy rằng thời điểm phù hợp để tăng lãi suất là khi có sự cải thiện thêm của thị trường việc làm và cơ sở cho thấy lạm phát sẽ tăng lên mức mục tiêu 2% trong trung hạn”, tuyên bố có đoạn viết.

Theo dự báo mà FED đưa ra, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,3-2,7% trong năm nay, giảm từ mức 2,6-3% đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 12 năm ngoái. Lạm phát của Mỹ được FED dự báo ở mức 0,6-0,8% trong năm nay, 1,7-1,9% trong năm 2016 và gần 2% trong năm 2017.

Lần gần đây nhất FED tăng lãi suất cơ bản đồng USD diễn ra vào tháng 6/2006. Khi đó, thị trường bất động sản bùng nổ và tăng trưởng kinh tế mạnh là cơ sở để FED đẩy lãi suất lên 5,25%. Vào tháng 12/2008, FED hạ lãi suất về mức thấp kỷ lục gần 0% để chống khủng hoảng tài chính và duy trì cho tới nay.

Phương Anh
Tổng hợp
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”